COP21 đưa năng lượng sạch “lên ngôi”

Thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được thống nhất tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Pháp (COP21). Theo đó, ngành năng lượng sạch có thể sẽ có tương lai rộng mở, còn các ngành khai thác than và dầu khí phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới.

Những năm qua, ngành công nghiệp năng lượng trên thế giới đã tạo ra gần 2/3 lượng khí thải CO2, từ các hoạt động khai thác than, dầu khí... Do vậy, trong Hội nghị COP21, nhiều sáng kiến đã được đề xuất nhằm phát triển mạnh công nghệ năng lượng tái tạo trong tương lai.

Sau Hội nghị COP21, tương lai đang rộng mở với ngành năng lượng tái tạo - Ảnh minh họa

Trong ngày khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Pháp đã công bố thành lập Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế. Liên minh này gồm 121 quốc gia (Pháp, Ấn Độ, Mỹ, các nước châu Phi, châu Á, Trung Đông, châu Âu và các quốc đảo nằm giữa vùng Hạ chí tuyến và Đông chí tuyến) với mục tiêu tăng cường sản xuất năng lượng mặt trời, thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng xanh thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch trên thế giới.

Liên minh Năng lượng mặt trời cam kết huy động 1.000 tỷ USD đầu tư vào các dự án cung cấp năng lượng mặt trời đến năm 2030 và xem đây là một giải pháp khả thi để bảo vệ sự sống trên "hành tinh xanh". Thủ tướng Ấn độ - Narendra Modi nhận định, “Ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm là món quà quý giá mà tạo hóa ban tặng cho nhân loại, nhưng nhiều quốc gia chưa biết tận dụng nguồn năng lượng này”.

Ông Narendra Modi còn nhấn mạnh, mục tiêu của Liên minh là đưa năng lượng mặt trời vào cuộc sống sinh hoạt của mỗi gia đình với giá rẻ hơn, tin cậy và thân thiện với môi trường hơn trong bối cảnh các nguồn năng lượng được sử dụng trong thời kỳ công nghiệp đang dần hủy hoại trái đất. Ông cũng kêu gọi thế giới nhanh chóng sử dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng chính trong tương lai gần; giúp hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, các nước phát triển không có quyền “ép” các quốc gia nghèo ngừng sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than đá hay dầu mỏ... vì nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, bởi thực tế cho thấy các nước nghèo vẫn phải sử dụng nguồn nhiên liệu thông thường này để hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế.

Một sáng kiến khác được mang tới COP21 là 1.000 thành phố trên thế giới đã thông báo, đến năm 2050, toàn bộ năng lượng của các thành phố này phải là năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp – ông Francois Hollande cũng đề nghị quan chức các nước cần cam kết “giảm 3,7 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở các khu vực đô thị vào năm 2030”; “hỗ trợ các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu như chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo và giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050”.

Về phía các tập đoàn công nghiệp, những hãng lớn được công chúng biết đến rộng rãi như Tập đoàn xe hơi Đức BMW hay hãng nước ngọt Coca Cola đã cùng với 47 công ty tên tuổi khác trên thế giới thông báo dần dần sẽ quay lưng lại với năng lượng hóa thạch, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường.

Có thể nói, sau Hội nghị COP21, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thỏa thuận Paris sẽ có tác động không nhỏ tới một số ngành kinh tế, trong đó, ngành chịu tác động lớn chính là ngành công nghiệp năng lượng.

Sau thỏa thuận, có thể hình dung những ngành công nghiệp dựa vào nguồn than và dầu khí phải chuyển hướng hoạt động mới có thể tồn tại được. Đồng thời, những năng lượng sạch sẽ có tương lai rộng mở và điều bất ngờ là điện hạt nhân nay lại được nhắc tới vì nguồn năng lượng này không phát thải.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon:

"Một trong những phương tiện chủ chốt trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đấu tranh chống đói nghèo là phát triển năng lượng tái tạo. Và chúng tôi đánh giá cao ý tưởng của Thủ tướng và Chính phủ Ấn Độ trong việc thành lập Liên minh Năng lượng mặt trời. Liên minh này sẽ giúp chúng ta tận dụng nguồn năng lượng mặt trời và đóng góp vào phát triển các quốc gia nghèo. Tôi trông chờ các quốc gia phát triển sẽ cung cấp các công nghệ và giải pháp tài chính cho việc phát triển liên minh này".

Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21):

 - Diễn ra tại Paris từ ngày 30/11/2015 – 11/12/2015.

 - 195 quốc gia tham dự.

 - Mục tiêu quan trọng: Hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C.

 - Trách nhiệm của các quốc gia tham dự: Giữ vai trò đầu tàu trong việc giảm khí thải nhà kính, các nước đang phát triển được khuyến khích nhanh chóng giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và giảm dần lượng khí thải với sự hỗ trợ của các nước phát triển.

 


  • 21/01/2016 04:37
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 1555


Gửi nhận xét