Tiết kiệm từ nhà đến công sở
Cầm hóa đơn tiền điện trong tay, chị Mai Hoàng Linh (Hà Đông, Hà Nội) nhẩm tính số tiền phải đóng tháng vừa rồi. Chị Linh cho biết, gia đình chị có 5 người, các thiết bị điện trong nhà như bình nóng lạnh, điều hòa, tủ lạnh, ti vi, máy tính để bàn, bóng đèn, quạt điện đều hoạt động hết công suất.
“Mùa nóng, tủ lạnh, điều hòa, quạt chắc chắn không thể cắt giảm. Vì thế, để tiết kiệm, tôi thay bóng đèn dây tóc trong nhà bằng bóng đèn huỳnh quang hoặc đèn led và hạn chế sử dụng máy tính để bàn”, chị Linh nói.
|
Nên sử dụng điều hòa phù hợp với diện tích phòng để tiết kiệm điện |
Chị Hoàng Thanh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ bí quyết tiết kiệm điện cho tủ lạnh. Trước khi đặt thực phẩm vào tủ nên để thực phẩm nguội và đóng gói trong một vật chứa kín và khô. Chị Phương lý giải, thực phẩm nóng, đựng trong đồ ướt và không kín sẽ tỏa độ ẩm, tủ lạnh phải làm việc nhiều thêm nên tốn điện.
Theo chị Phương, hiện nay, nhiều người nội trợ chọn các khay, hộp đựng thức ăn để tủ lạnh, chứ không dùng các hộp nhựa vì hộp nhựa thường nhẹ, rẻ, hấp thụ nhiệt chậm nên tốn điện. “Để đồ ăn vào khay, hộp nhôm hay inox sẽ hấp thụ nhiệt độ tốt, làm lạnh nhanh, tiết kiệm điện hơn”, chị Phương nói.
Không chỉ nhà ở, hộ gia đình mà hiện nay tại các văn phòng, công ty cũng chủ trương tiết kiệm điện. Anh Trần Duy Ba, Công ty Newwayadv tại đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mới đây anh đã thông báo đến các nhân viên trong công ty về việc tắt các thiết bị điện khi đi ra khỏi phòng. Theo anh Duy Ba, bằng cách này, sẽ khuyến khích nhân viên ý thức cao hơn về việc tiết kiệm điện năng và tiết kiệm chi phí hoạt động của công ty.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn đưa ra các quy định như: Các trang thiết bị điện trong các phòng ban khi không có người làm việc ở trong phòng đều phải cắt hết điện. Các đèn bàn trên các bàn làm việc chỉ được bật khi đang làm việc đọc công văn giấy tờ, đánh máy vi tính. Máy vi tính chỉ được sử dụng cho công việc cơ quan, xong việc phải cắt điện.
Phải sử dụng điện hiệu quả
Anh Nguyễn Thái Học nhân viên bán hàng tại cửa hàng điện máy trên đường Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết để tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa nên sử dụng điều hòa phù hợp với kích thước phòng. Vì chiếc điều hòa nhỏ sẽ không đủ làm mát phòng mà điều hòa công suất quá lớn sẽ tiêu thụ nhiều điện.
|
Nhiều công ty cũng xuất "chiêu" tiết kiệm điện |
Theo anh Học, phòng dưới 10 m2 nên sử dụng điều hòa có công suất làm lạnh là 0,5HP; từ 10 - 13 m2, công suất làm lạnh 0,75 HP; từ 14 - 17 m2, công suất làm lạnh là 1 HP; từ 18 - 21 m2, công suất làm lạnh là 1,2 HP; từ 22 - 25 m2, công suất làm lạnh là 1,5 HP; từ 26 - 35 m2, công suất làm lạnh là 2 HP; từ 36 - 45 m2, công suất làm lạnh là 2,5 HP... Ngoài ra, cần làm sạch bộ lọc không khí để giúp điều hoà làm mát hiệu quả hơn.
Tương tự với tủ lạnh, người dùng phải lưu ý loại dung tích phù hợp, đủ dùng cho số người trong gia đình. Một người nên dùng tủ 70 - 100 lít; từ 2 - 3 người dùng tủ 100 - 150 lít; 3 - 4 người dùng tủ 150 - 250 lít. Đối với nhà có 4 người trở lên, dùng tủ lạnh có dung tích 250 - 350 lít sẽ tiết kiệm điện hơn. Ngoài ra, vị trí tủ lạnh nên đặt cách tường 10 cm, tránh xa nguồn nhiệt. Thường xuyên lau chùi tủ và kiểm tra độ kín của cửa tủ lạnh.
Một số chuyên gia về điện cho biết, các sản phẩm sử dụng công nghệ biến tần Inverter trên thị trường được quảng cáo có khả năng tiết kiệm điện từ 40 - 60% giá cao hơn các thiết bị thông thường 3 - 4 triệu đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình.