Toàn cảnh hội thảo
|
Phát biểu tại hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Đại biểu Quốc hội Khóa 14, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt ĐBSCL là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất. Mặc dù sự quan tâm và các giải pháp đề ra tuy nhiều nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn, tình hình diễn biến ngày càng phức tạp khó lường do tác động kép của tai biến thiên nhiên và tai biến do con người gây ra trên lãnh thổ cũng như ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“ĐBSCL là một trong những vị trí quan trọng của Việt Nam, chúng ta cần ghi nhận những bài học, kinh nghiệm ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL được tích lũy trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững và ứng phó BĐKH; đồng thời sự liên kết, hợp tác giữa các bên là giải pháp quan trọng đối với các vấn đề của ĐBSCL” – ông Khải chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu đều cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và đem lại nhiều cơ hội xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và hiện đại cho ĐBSCL.
Do đó cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các hội khoa học, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp để cùng xây dựng thương hiệu chung của vùng ĐBSCL, áp dụng công nghệ trong chia sẻ hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc điện tử từ trang trại tới bàn ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm và yêu cầu xuất khẩu, kêu gọi vốn đầu tư, tạo thuận lợi cho bảo hiểm nông nghiệp hoạt động, từ đó tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL, tạo ra công ăn việc làm bền vững cho người dân.
Được biết, ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trong đối với an ninh nguồn nước phục vụ bảo đảm an ninh lương thực của cả đất nước và đời sống của chính người dân ĐBSCL. Cuộc sống và sinh kế của cộng đồng không thể tách rời nguồn nước và sức khỏe của hệ sinh thái nước. Cộng đồng phải có tiếng nói, tham gia quyết định trong các dự án quản trị nguồn nước từ giai đoạn ý tưởng đến cuối giai đoạn vận hành. Việc thúc đẩy các hoạt động tham vấn cộng đồng không chỉ giới hạn đối với những người trực tiếp bị tác động của dự án khai thác nguồn nước mà cần mở rộng đến những người dân bị ảnh hưởng gián tiếp, những nhà khoa học và các tổ chức có cùng mối quan tâm. Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình và duy trì hợp tác cùng có lợi với các quốc gia lưu vực sông Mê Kông.
Tại hội thảo lần này, nhiều đại biểu cho rằng, ĐBSCL có một lợi thế vô cùng to lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ sóng biển và thủy triều. Biến đổi khí hậu có thể làm các tác nhân này mạnh hơn. Việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo nêu trên là một chiến lược biến các nguy cơ biến đổi khí hậu thành lợi thế.
Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc của các nhà khoa học, các tổ chức trong phát triển các giải pháp năng lượng bền vững, cụ thể như: Dành ưu tiên chính sách và tài chính để triển khai việc tiếp cận điện tái tạo của các hộ dân chưa tiếp cận được điện lưới; xây dựng cơ chế chính sách thí điểm mở đường cho việc phát triển tích hợp, kết hợp năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch; tạo điều kiện để các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện chuyển giao kiến thức, hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng và ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.