Cảnh báo từ vụ thềm nhà nóng bất thường

Thềm nhà của gia đình ông Vũ Đình Khuê tại xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nóng lên bất thường, nhiệt độ lên tới 40 độ C. Nguyên nhân do đâu? Và hộ dùng điện cần tuân thủ những gì?

Ngày 11/5, gia đình ông Vũ Đình Khuê phát hiện khoảng 2 m2 thềm nhà bị nóng lên bất thường, nhiệt độ lên tới 35-40 độ C. Theo kết luận của cơ quan chức năng, nguyên nhân là do thềm nhà bị nhiễm điện.

Cụ thể, khi làm mái tôn ở sân, gia đình ông Khuê có hàn một xà sắt liên kết với lõi thép cột nhà. Do sơ suất, điện từ dây điện đã truyền qua xà sắt và lõi thép làm thềm nhà bị nóng. Tình trạng này còn gây tổn thất điện năng cho gia đình ông Khuê, lượng điện sử dụng tăng gấp 3 lần so với các tháng trước.

Lý giải hiện tượng này, PGS. TS Cao Đình Triều - Chủ tịch Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam cho biết, do dây nóng của đường dây dẫn điện bị hở, làm lõi sắt và cột thép trong nhà bị nhiễm điện. Vì điện trở của cột thép và lõi thép khá lớn, nên xảy ra hiện tượng giải tỏa năng lượng, làm cho thềm nhà nóng lên và thất thoát lượng điện năng khá lớn. PGS. TS Cao Đình Triều cảnh báo, các hộ gia đình khi lắp đặt hệ thống điện trong nhà, cần lưu ý chọn loại dây dẫn tốt, đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng quá tải gây nóng chảy dây điện, hở điện, chập điện…, không chỉ gây tổn thất điện năng mà nguy hiểm hơn, có thể gây chập cháy, điện giật, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe.
Nhằm sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra, Tổng công ty Điện lực miền Bắc khuyến cáo các hộ gia đình cần tuân thủ một số biện pháp sau:

Nên

Không nên

- Thuê tư vấn có trình độ chuyên môn thực hiện thiết kế, lắt đặt hệ thống điện trong nhà…

- Đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat, cầu dao điện) phù hợp cho đường dây chính trong nhà, từng gian phòng và từng thiết bị điện công suất lớn.

- Dùng thiết bị chống rò điện phù hợp cho mạng điện trong nhà; đặc biệt nên lắp thiết bị chống rò điện riêng cho các thiết bị đấu nối thường xuyên vào mạng điện như bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ...

- Sử dụng dây dẫn điện có lớp bọc cách điện tốt, tiết diện phù hợp với dòng điện của các thiết bị sử dụng điện.

- Thiết bị, dụng cụ sử dụng điện trong nhà phải đảm bảo an toàn, phù hợp công suất đường dây cấp điện.

- Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh và thay mới đường dây điện khi phát hiện hư hỏng như: Vỏ cách điện bị biến màu hoặc bong tróc...

- Ngắt ngay các thiết bị, dụng cụ điện sinh nhiệt (bàn ủi, bếp điện, thiết bị gia nhiệt bằng điện trở…) ra khỏi nguồn điện khi không có nhu cầu sử dụng hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện.

- Tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi ra khỏi nhà hoặc trước khi ngủ.

- Sử dụng cáp điện, thiết bị điện ở những bảng quảng cáo ngoài trời đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn; lắp đặt đúng kỹ thuật, phải thường xuyên, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa.

- Khi có hiện tượng khả nghi hoặc xảy ra cháy phải nhanh chóng ngắt nguồn điện, khẩn trương thông báo cho mọi người xung quanh, báo Cảnh sát PCCC; dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Lưu ý, không dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện...

- Sử dụng dây điện trần (không có vỏ cách điện) trong nhà; sử dụng dây, cáp điện, thiết bị điện không đảm bảo chất  lượng.

- Sử dụng giấy bạc và dây kim loại khác để thay thế dây chảy cầu chì, cầu dao.

- Treo móc hàng hóa, vật dụng lên đường dây, thiết bị điện.

- Sử dụng vật liệu dễ cháy như giấy, vải… để bao, che bóng đèn;

- Treo bóng đèn sát vách ngăn, trần làm bằng vật liệu dễ cháy.

- Sử dụng ổ cắm, phích cắm, cầu dao bị nứt, vỡ vỏ nhựa hoặc bị gỉ, sét.

- Cắm dây dẫn điện trực tiếp (không có phích cắm) vào ổ  cắm.

- Để trẻ nhỏ, người bị bệnh tâm thần… sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.

- Để các chất dễ cháy (ga, xăng, dầu, giấy, vải…) gần đường dây và các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện điện như: Đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang…

-  Lắp đặt ổ cắm điện trong nhà tắm.

 


  • 06/07/2017 09:55
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 3039