Biết cách sử dụng thích hợp các chế độ có sẵn trên điều hòa nhiệt độ có thể đảm bảo sức khỏe tốt và thoải mái cho bạn, cũng như giảm hóa đơn tiền điện. Để tiết kiệm điện năng khi bật điều hòa, bạn nên lưu ý làm theo những hướng dẫn của các chuyên gia về điện lạnh dưới đây.
Không để nhiệt độ dưới 25 độ C
Nhiệt độ thường được khuyến cáo trong phòng có trẻ em, người cao tuổi là khoảng 27-28 độ C, cùng lắm chỉ ở 25-27 độ C. Lưu ý, với những gia đình có nhiều người cùng nằm chung điều hòa, thân nhiệt khác nhau, nếu nhiệt độ được khuyến cáo với trẻ nhỏ không đủ mát đối với những người khác, lúc này bạn có thể viện đến những chiếc quạt điện nhỏ, chúng sẽ tỏ ra rất hiệu quả khi bạn không-bật-công-tắc-xoay.
Việc bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu, đặc biệt là cảm giác “chui trong chăn giữa mùa hè” khá thú vị, tuy nhiên bạn cần biết rằng điều này có thể khiến bạn phải trả tiền điện hơn bình thường khá nhiều. Nguyên nhân là do máy phải hoạt động nhiều hơn, điện năng tiêu thụ đương nhiên sẽ lớn hơn nhiều.
Chọn chế (Mode) phù hợp
Những nút “thần thánh” được nhiều người tôn sùng lại thường chỉ có những cái tên đơn giản như Cool hay Dry. Trong khi chế độ Cool giúp giảm nhiệt độ trong phòng xuống để làm lạnh và duy trì nhiệt độ đó ổn định, còn chế độ Dry chỉ thực hiện chức năng khử ẩm, duy trì nhiệt độ nhiệt tại của phòng chứ không có khả năng làm lạnh.
Việc để điều hòa dưới 25 độ C giúp gia đình bạn tiết kiệm điện và còn đảm bảo được sức khỏe cho gia đình - Ảnh: Nguồn Internet.
|
Nhiều người cho rằng, Dry có thể có tác dụng tiết kiệm điện hơn là so với chế độ Cool. Tuy nhiên, chế độ Dry chỉ nên sử dụng khi độ ẩm trong phòng quá cao như những ngày mưa (độ ẩm thích hợp là từ 60-70%). Những ngày hanh khô, khi sử dụng chế độ này sẽ gây ra hiện tượng khô da, nứt nẻ môi và tay chân.
Không tắt-mở điều hòa liên tục
Việc tắt-mở điều hòa liên tục với khoảng cách thời gian ngắn sẽ rút tiền trong túi bạn một cách "phi mã". Theo lời khuyên của các chuyên gia, hãy luôn duy trì chế độ làm lạnh khi bạn ở trong phòng và tắt máy trước khi định ra ngoài khoảng 30-40 phút.
Điều này tưởng là khó nhưng thực ra ngược lại. Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao thì tinh thần “ngẫu hứng” của bạn cũng sẽ giảm thiểu đi rất nhiều, khó có thể lôi người đang ngồi trong phòng mát mẻ ra ngoài đột xuất. Còn nếu bạn chỉ có ý định đi ra ngoài có việc một chút rồi lại trở vào thì ghi nhớ, đừng tắt điều hòa vội, việc tắt, bật như vậy sẽ khiến máy hoạt động mệt hơn, tốn nhiều điện năng hơn cho khâu khởi động.
Người dùng cũng nên ghi nhớ, điều chỉnh điều hòa càng-ít-càng-tốt, không nên thấy mát rồi thì lại bật cao lên hoặc tắt đi vì nghĩ rằng đó là tiết kiệm điện rồi lúc sau lại hạ nhiệt độ xuống. Đó là cách bạn “giết” chiếc điều hòa của mình nhanh nhất và “tiêu diệt” túi tiền của mình một cách êm ái.
Trước khi đi ngủ, bạn có thể sử dụng nút hẹn giờ trên điều hòa để tiết kiệm điện. Nhiệt độ càng về đêm càng giảm, khi sử dụng chế độ hẹn giờ, đến khoảng thời gian nhất định khi nhiệt độ ngoài trời và trong phòng không còn chênh lệch nhiều cũng là lúc để cho chiếc điều hòa của bạn nghỉ ngơi một chút.
Đặc biệt, với một số máy điều hòa đời mới có chế độ ngủ đêm, hãy tận dụng nó một cách triệt để. Chức năng này cho phép tăng dần nhiệt độ trong phòng, mỗi giờ máy sẽ tăng khoảng 0,5 độ và tối đa 2 độ C để đảm bảo cho người dùng được ngủ trọn đêm mà không phải thức dậy để tìm cái điều khiển do quá lạnh.
Một số những biện pháp có thể giúp hỗ trợ cho chiếc điều hòa của bạn đỡ vất vả hơn như thả hết rèm ở những ngày trời nắng nóng, đặt cục nóng ở chỗ mát, trồng thêm cây xanh xung quanh nhà,... Tùy theo điều kiện của bản thân, hãy biến mình trở thành người dùng thông thái, tận hưởng sự mát mẻ trong những ngày hè oi nực, vừa bảo vệ được túi tiền của gia đình hiệu quả. Và hãy nhớ thêm, thường xuyên vệ sinh điều hòa gia đình sạch sẽ.