Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 - Ảnh: Ng.Tuấn.
|
Thứ nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, xây dựng mới, bổ sung điều chỉnh đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật dưới các Luật này để hướng dẫn, triển khai hiệu quả các nội dung mới, khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động của ngành năng lượng hiện nay.
Các cơ quan liên quan phải xây dựng các cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng; cơ chế tài chính và huy động vốn cho phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện; xây dựng cơ chế phát triển đột phá đối với điện gió ngoài khơi xa bờ; xây dựng cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán với mục đích tự dùng; cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện; chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tái tạo…
Xây dựng quy định về lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng; phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng…
Thứ hai, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Riêng đối với Chiến lược ngành dầu khí, Phó Thủ tướng cho biết Chiến lược sẽ được xây dựng sau khi Ban cán sự đảng Chính phủ tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị tổng kết Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị.
Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam - Triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Thứ ba, lãnh đạo Chính phủ giao các cơ quan tập trung xây dựng các Quy hoạch phát triển ngành năng lượng gồm: Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia;
Đối với Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Quy hoạch này phải xác định rõ quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn cụ thể; xác định rõ cơ cấu các nguồn điện để đảm bảo phù hợp với khả năng cung cấp của nguồn năng lượng sơ cấp nhằm tăng cường tính tự chủ về năng lượng của đất nước, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả cho hệ thống, giảm dần những nguồn nhiệt điện gây ô nhiễm, thay thế bằng các nguồn điện khí, đặc biệt ưu tiên phát triển hợp lý năng lượng tái tạo.
Thêm vào đó, Quy hoạch phát triển điện lực cần xác định rõ không gian bố trí các nguồn điện phù hợp với tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, miền và địa phương cũng như khả năng giải toả công suất của các nguồn điện; quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải hiện đại, thông minh, kết nối với các quốc gia láng giềng, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả; trên cơ sở quy hoạch định hướng, phải tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện Quy hoạch. Trong đó, xác định rõ kế hoạch phát triển các nguồn điện và hệ thống truyền tải cho các giai đoạn 5 năm và hàng năm làm cơ sở để huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện.
Thứ tư, về chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng cơ chế, thể chế chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường.Cho đến nay, ngành Điện Việt Nam đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ đầu năm 2019) và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước.
Ngành than còn khâu cung cấp than cho điện chưa thực hiện theo đúng cơ chế thị trường. Còn ngành khí đã hoạt động cạnh tranh khâu khai thác và nhập khẩu khí tự nhiên với một đầu mối thu mua tại thượng nguồn mỗi dây chuyền khí, hệ thống khí; cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa đối với các loại LPG, CNG, LNG.