Chương trình Việt Nam tái chế: Chung tay xử lý rác thải điện tử

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/4/2015, Việt Nam tái chế (Vietnam Recycles) là chương trình thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi, hư hỏng, do Apple và HP tài trợ, góp phần nâng cao nhận thức của người Việt về xử lý và tái chế rác thải điện tử, bảo vệ môi trường sống.

Chia sẻ trách nhiệm
Chương trình Việt Nam tái chế do Apple và HP tài trợ có chức năng thu hồi miễn phí, xử lý, tái chế rác thải điện - điện tử theo một quy trình công nghệ khép kín, đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.

Rác thải điện tử gây ra rất nhiều nguy hại cho môi trường nếu không được xử lý đúng cách


Theo đó, các thiết bị điện, điện tử như, laptop, điện thoại, ti vi, đầu đĩa, máy ảnh,… sau khi không thể sử dụng sẽ được chuyển đến trung tâm xử lý chất thải độc hại để phân loại, tổ chức tháo dỡ và tách bóc các linh kiện điện tử theo mục đích tái sử dụng. Những linh kiện không còn giá trị sử dụng sẽ được đưa đi phân hủy trong một quy trình khép kín, không gây ô nhiễm môi trường.

Bà Monia De Vera - Jacob, Giám đốc cao cấp Bộ phận Quản lý môi trường và Trách nhiệm xã hội HP châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản cho biết, việc tiêu hủy chất thải điện tử không đúng cách đã và đang gây nên những tác hại vô cùng to lớn đối với môi trường sống. Thế nhưng, nhận thức của người dân về việc xử lý rác thải điện tử đúng cách lại rất hạn chế. Chính vì vậy, Chương trình Việt Nam tái chế được phát triển dựa trên ý tưởng các nhà sản xuất, người tiêu dùng và Chính phủ cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc xử lý và tái chế chất thải điện tử một cách thân thiện với môi trường.

Chương trình Việt Nam tái chế hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện của người tiêu dùng. Bên cạnh việc thu gom miễn phí rác thải điện - điện tử, Chương trình còn giáo dục người dân ý thức về những tác hại nguy hiểm của rác thải điện tử, từ đó, họ tự nguyện mang các thiết bị không còn giá trị sử dụng đến các điểm thu gom, hình thành những thói quen thu gom xử lý rác thải điện tử một cách khoa học…

Vẫn còn nhiều thách thức

Chất thải điện tử rất độc hại, có nguy cơ hủy hoại môi trường không khí, đất, nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo thống kê của Viện Khoa học Công nghệ - Môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), lượng chất thải điện tử tại Việt Nam đang ngày càng nhiều do sự phát triển và nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, điện tử ngày càng tăng. Thế nhưng, một thực tế đáng lo ngại, nhận thức của người dân về rác thải điện tử còn rất hạn chế.

Người Việt Nam thường có thói quen bán đi những thiết bị điện - điện tử không còn sử dụng được. Trong khi đó, Chương trình Việt Nam tái chế không trả tiền cho thu hồi rác thải điện tử, vì Chương trình phải gánh chịu toàn bộ chi phí rất lớn cho cả quy trình thu gom và tái chế. Điều đó cho thấy, Chương trình vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động thu hút người dân tự nguyện mang các thiết bị điện, điện tử đã hỏng đến các điểm thu gom.

Được biết, hiện Chương trình Việt Nam tái chế đã thiết lập được 9 điểm thu gom ở thành phố Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, hiện khối lượng của các thiết bị do người dân tự nguyện mang đến các điểm thu gom vẫn còn rất ít.

Thay đổi thói quen vốn có của người Việt Nam trong việc xử lý rác thải điện tử không phải là điều dễ dàng. Do đó, Chương trình Việt Nam tái chế rất cần sự ủng hộ của các bộ, ban ngành liên quan trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về những tác hại của rác thải điện tử và ý nghĩa thiết thực của Chương trình.

Cùng với đó, các nhà sản xuất, các nhà phân phối cũng cần vào cuộc để vận động, tuyên truyền tới người tiêu dùng về hệ thống thu hồi và tái chế các thiết bị điện tử hết hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Duy Nhất, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội:

Tham gia Ngày hội Tái chế được tổ chức tại phường Nghĩa Tân vào tháng 9 vừa qua, tôi đã ngộ ra được rất nhiều điều. Trước đây, tivi, điện thoại hỏng, chúng tôi đều vứt đi hoặc bán đồng nát. Giờ đây tôi mới biết, rác thải điện tử rất nguy hại, cần được thu hồi để xử lý và tái chế đúng cách.

5 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí tại Hà Nội:

- Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy;
- Nhà Văn hóa phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy;
- UBND Phường Quán Thánh, quận Ba Đình;
- Bảo tàng Chiến thắng B.52, số 157 Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình;
- UBND Phường Thành Công, quận Ba Đình.
 

4 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí tại TP.HCM:

- Sở Tài nguyên và Môi trường (63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1);
- UBND phường 15, quận 4;
- UBND phường 2, quận Bình Thạnh;
-UBND phường 17, quận Phú Nhuận.

 


  • 02/12/2015 09:55
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện
  • 5292