Công ty Malaysia mua 39% cổ phần của 5 dự án điện mặt trời tại Việt Nam

TNB Renewables, công ty con 100% vốn của Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia Tenaga Nasional Berhad (TNB), sẽ mua 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời của Sunseap Group (Singapore) tại Việt Nam.

TNB Renewables, công ty con 100% vốn của Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia Tenaga Nasional Berhad (TNB), sẽ mua 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời của Sunseap Group (Singapore) tại Việt Nam.

 5 dự án trong thỏa thuận đặt tại miền Nam Việt Nam, có tổng công suất 21,6 MW và hoàn thành vào tháng 12/2020. Công ty muốn thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam và mở rộng sang thị trường năng lượng tái tạo và điện năng tiện ích đang phát triển nhanh chóng ở khu vực.

Trong một tuyên bố vào tháng 2, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của TNB, Datuk Baharin Din cho biết, việc mua lại dựa trên sự hợp tác xuyên biên giới Malaysia - Singapore trước đó của TNB với Sunseap và thể hiện cam kết của công ty do chính phủ Malaysia kiểm soát trong việc biến TNB thành một công ty điện năng và năng lượng tái tạo trong khu vực.

Trước đó, vào ngày 2/3, Sunseap và TNB đã công bố kế hoạch thành lập một liên doanh để giam gia chương trình đấu thầu thử nghiệm kéo dài hai năm của chính phủ Singapore nhằm nhập khẩu 100 MW điện từ Malaysia. Sunseap hiện có nhiều dự án tại Singapore, Australia, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Campuchia.

Năm ngoái, quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings và quỹ đầu tư tư nhân ABC World Asia đã rót 36,8 triệu USD vào Sunseap. Năm 2019, Sunseap đã hoàn thiện một trang trại điện mặt trời trị giá 150 triệu USD tại Việt Nam, đây cũng là một trong các dự án điện mặt trời lớn nhất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tuyên bố của TNB không nêu rõ giá mua lại 39% cổ phần trong dự án 21,6MW và nơi đặt các nhà máy điện mặt trời. Đây được coi như một bước tiến khác nhằm đạt được tham vọng của TNB trong việc phát triển các doanh nghiệp năng lượng tái tạo và điện năng ở Đông Nam Á.

Các dự án điện mặt trời ở Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa

Đại diện TNB cho hay, việc mua cổ phần này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với TNB khi nó mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo quốc tế sang Đông Nam Á. Hiện nay, sự hiện diện toàn cầu của TNB trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bao gồm 2.732,3MW tại Malaysia (bao gồm 2,536,1MW của các dự án thủy điện lớn) và 666MW trên khắp Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, bao gồm chủ yếu là các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. TNB đặt mục tiêu phát triển tổng khối lượng năng lượng tái tạo lên 8.300MW vào năm 2025 bao gồm cả các dự án thủy điện.

Trước đó, các hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực tái tạo năng lượng đã trở nên khá sôi động từ cuối năm 2018. Lý do là, giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30/6/2019 theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg tương đương 9,35 US cent/kWh, cao hơn tương đối so với giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 UScent/kWh.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, chi phí sản xuất điện mặt trời có thể đạt trung bình 3,9 US cent/kWh đối với những dự án được vận hành từ năm 2021, giảm 42% so với năm 2019. Như vậy, ngay cả với mức giá mua điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh, hay nổi trên hồ là 7,69 US cent/kWh theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, thì dù đã thấp đi đáng kể so với tại Quyết định 11/QĐ-TTg, nhưng vẫn được cho là sinh lợi tốt so với chi phí đầu tư ban đầu.

Ngoài ra, cơ chế mua điện theo giá cố định (FiT) hiện tại ở Việt Nam được cho là tốt hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, khi áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh với giá bán điện mặt trời 4,5 - 6,0 US cents/kWh ở Trung Quốc, 4,2 - 5,7 US cents/kWh ở Malaysia...

Super Enegry Corpration Public Company (Super Energy) đến từ Thái Lan hồi đầu năm 2020 đã quyết định chi 456,7 triệu USD để sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW). Cũng đến từ Thái Lan còn có Gulf - tập đoàn năng lượng được nhắc tới nhiều trong các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Thành Thành Công với tỷ lệ nắm giữ có sự thay đổi từ 49% lên 90% sau khi dự án đi vào hoạt động.

B. Grimm Group, cũng đến từ Thái Lan, đã đầu tư vào Nhà máy Dầu Tiếng (công suất 420 MW) ở tỉnh Tây Ninh và Nhà máy Năng lượng mặt trời Phú Yên (công suất 257 MW). Trong khi đó, AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) đã thành lập Liên doanh BIM/AC Renewable để phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận…

Sức hút về lợi nhuận của các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã khiến nhiều dự án điện mặt trời từ chỗ ban đầu chỉ có cổ đông trong nước, nhưng sau khi được bổ sung quy hoạch hoặc đi vào vận hành, đã nhanh chóng được sang tay nhà đầu tư nước ngoài.

Link gốc


  • 01/04/2021 09:49
  • Nguồn: doanhnghiepvn.vn
  • 3287