Điện gió ngoài khơi vẫn tăng trưởng mạnh, bất chấp dịch bệnh

Năm 2020, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi toàn cầu đạt công suất lắp đặt mới hơn 6GW, gần bằng so với năm trước cho dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2020 - Ảnh: nguồn Internet.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Đánh giá Thị trường của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi năm 2020 có thành tích tăng trưởng cao thứ hai từ trước đến nay, với hơn 6GW điện gió ngoài khơi mới được lắp đặt, và vẫn tiếp tục phát triển bất kể đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành năng lượng khác.

Mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới năm thứ ba liên tiếp về công suất điện gió ngoài khơi mới thường niên. Năm qua, Trung Quốc đóng góp hơn một nửa sản lượng điện gió ngoài khơi mới cho thế giới.

Châu Âu duy trì mức tăng trưởng ổn định, dẫn đầu là Hà Lan với gần 1.5GW điện gió ngoài khơi mới lắp đặt trong năm 2020, chỉ sau Trung Quốc. Tiếp theo là Hàn Quốc (60MW) và Mỹ (12MW). Nhà máy điện gió nổi ngoài khơi mới duy nhất trong năm 2020 cũng được xây dựng ở châu Âu - tại Bồ Đào Nha với công suất 17MW.

Nhìn chung, công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện đã đạt trên 35 GW - tăng 106% chỉ trong 5 năm qua. Trung Quốc hiện đã vượt qua Đức, trở thành quốc gia sản xuất điện gió ngoài khơi lớn thứ hai trên toàn cầu, sau Anh.

Feng Zhao, Giám đốc Chiến lược và Đánh giá Thị trường của GWEC, nhận xét: “Nhịp độ phát triển ổn định và liên tục của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trên toàn cầu trong suốt thời gian đại dịch là minh chứng cho khả năng phục hồi của ngành năng lượng đang bùng nổ này. Mặc dù Trung Quốc là nước hứng chịu ảnh hưởng đầu tiên từ cuộc khủng hoảng do COVID-19, ngành điện gió ngoài khơi chịu rất ít tác động và đã trở lại trạng thái hoạt động bình thường' ngay từ đầu tháng 3/2020. Mức tăng trưởng kỷ lục của Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2021, nhờ làn sóng gấp rút lắp đặt điện gió ngoài khơi cho kịp kỳ hạn Quy định Giá bán điện của Trung Quốc vào cuối năm nay”.

“Dù Châu Âu vẫn là thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất trên toàn cầu, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, như guồng máy thúc đẩy tăng trưởng của ngành. Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về điện gió ngoài khơi. Mỹ cũng sẽ mở rộng thành một thị trường điện gió ngoài khơi lớn, vì chính quyền Tổng thống mới đã thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trọng yếu này”, ông nói thêm.

Alastair Dutton, Chủ tịch Nhóm Phụ trách Điện Gió Ngoài khơi Toàn cầu tại GWEC, cho biết thêm: “Điện gió ngoài khơi đang ngày càng củng cố vị thế của mình là một trong những công nghệ quan trọng nhất để loại bỏ carbon trong hệ thống năng lượng của chúng ta và hiện thực hoá mục tiêu Net Zero (giảm khí thải carbon về 0). Sản lượng điện gió ngoài khơi toàn cầu hiện nay đã giúp chúng ta giảm được ít nhất 62,5 triệu tấn khí thải carbon - tương đương với việc ngừng sử dụng hơn 20 triệu chiếc xe hơi trên đường. Lợi ích kinh tế xã hội của điện gió ngoài khơi cũng quan trọng hơn bao giờ hết khi các quốc gia phát triển các chiến lược phục hồi kinh tế xanh, và các dự án điện gió ngoài khơi hiện tại đã cung cấp khoảng 700.000 việc làm trên toàn cầu”.

“Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng khổng lồ của điện gió ngoài khơi. Nhóm Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng với công nghệ hiện tại, thế giới có hơn 71.000GW điện gió ngoài khơi tiềm năng, và việc đánh thức nguồn tài nguyên này sẽ là chìa khóa để giữ mức nóng lên toàn cầu ở dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời tạo ra những lợi ích kinh tế đáng kể,” Dutton nói thêm.

Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) là một tổ chức với các thành viên đại diện cho toàn bộ ngành năng lượng gió gồm hơn 1.500 công ty, tổ chức và cơ quan tại hơn 80 quốc gia.

Link gốc


  • 08/03/2021 10:53
  • Nguồn: khoahocphattrien.vn
  • 2976