Đà Nẵng: Cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn để phát triển điện mặt trời mái nhà

TP. Đà Nẵng đứng thứ 5/16 địa phương của Việt Nam về tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 80% trụ sở công lắp đặt ĐMTMN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiềm năng này mới chỉ được hiện thực hóa hơn 2%.

Tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả

Theo số liệu khảo sát, bức xạ mặt trời trung bình hàng năm tại Đà Nẵng là 4,8 kWh/m2/ngày, trong đó, lượng bức xạ mặt trời cao nhất vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, số giờ nắng của TP. Đà Nẵng xấp xỉ 2.100 h/năm. Do diện tích không lớn, nên việc TP. Đà Nẵng phát triển lắp đặt điện mặt trời mặt đất là khó khả thi. Hiện thành phố đang theo hướng thúc đẩy phát triển điện mặt trời trên mái nhà.

Với diện tích nhỏ, mật độ xây dựng lớn và là đô thị dịch vụ - công nghiệp, TP. Đà Nẵng phù hợp và có tiềm năng phát triển ĐMTMN, tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả - Ảnh: congthuong.vn.

Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng lý thuyết về tổng diện tích khả năng lắp đặt ĐMTMN tại TP. Đà Nẵng là 1.285 km2, với tổng 1.140 MWp, điện năng tạo ra hàng năm là hơn 3 triệu MWh. Tuy nhiên, trên thực tế lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà của TP. Đà Nẵng trong thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Lê Văn Phú - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) - cho biết, đến tháng hết 9/2020, tổng công suất lắp đặt ĐMTMN đạt 26,5 MWp, chỉ mới được hơn 2% tiềm năng kỹ thuật. Trong khi đó, khả năng đấu nối, giải tỏa công suất của PC Đà Nẵng lên tới 1.800 MWp; cùng với đó, hiện PC Đà Nẵng đang tiếp tục có kế hoạch nâng cấp hệ thống lưới điện để đến năm 2035, ĐMTMN đáp ứng được 5,62% tổng điện thương phẩm trên toàn thành phố. Tiềm năng để các hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển ĐMTMN là rất lớn.

Theo ông Thái Việt Hùng - Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, “nút thắt” lớn nhất trong phát triển ĐMTMN tại Đà Nẵng chưa tương xứng với tiềm năng đó là thiếu cơ chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển ĐMTMN của cấp có thẩm quyền còn hạn chế.

"Ngay chính chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc hỗ trợ phát triển ĐMTMN", ông Hùng cho hay và cho biết thêm, cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở cấp Trung ương chưa điều chỉnh kịp thời theo tình hình thực tế; khi ban hành thì thời hiệu chính sách ngắn, không mang tính ổn định lâu dài nên chưa khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời nói chung, ĐMTMN nói riêng. Bên cạnh đó, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật chung hướng dẫn về thiết bị công nghiệp, lắp đặt, đầu nối và vận hành hệ thống điện mặt trời; kiểm định đánh giá, chứng nhận chất lượng thiết bị của hệ thống điện mặt trời.

Một khó khăn nữa hạn chế phát triển ĐMTMN đó là vốn đầu tư ban đầu tương đối nhiều và thời gian thu hồi vốn chậm. Bà Nguyễn Thị Thu - Quản lý dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng - cho biết, theo khảo sát của dự án, các doanh nghiệp và người dân đều cho biết họ nhận thấy được lợi ích thiết thực của lắp đặt điện năng lượng mặt trời, tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư phát triển loại hình này.

Cần có cơ chế cụ thể khuyến khích phát triển ĐMTMN

Theo bà Cécile Leroy - Quản lý chương trình phái đoàn EU tại Việt Nam, đến năm 2030, 75% phát thải khí nhà kính sẽ xuất phát từ ngành năng lượng, vì vậy, việc giảm phát thải trong lĩnh vực này là rất quan trọng. “Dự án điện năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng cho thấy khả năng hiện thực hóa các dự án điện mặt trời chứ không phải chỉ nằm trên lý thuyết và mong muốn khai thác”, bà Cécile Leroy nói và cho biết thêm tác dụng của việc lắp đặt năng lượng mặt trời không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp giảm nhiều chi phí tiền điện cho các hộ lắp đặt.

Tại TP. Đà Nẵng, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, thành ủy Đà Nẵng xác định tiếp tục phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được khảo sát, đánh giá, lập dự án và đưa vào quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới chiếm hơn 5% tổng cung năng lượng sơ cấp trên toàn địa bàn thành phố; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới.

Để khai khác hiệu quả tiềm năng ĐMTMN, TP. Đà Nẵng ưu tiên khuyến khích phát triển ĐMTMN tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, mái nhà xưởng. Có cơ chế phát triển ĐMTMN trong giai đoạn 2020 - 2025 đạt 80 - 90% trên tổng số các trụ sở công tại địa bàn TP. Đà Nẵng. Khuyến khích doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, công suất lắp đặt trong giai đoạn 2020 – 2025 đạt 22 MW, đến năm 2030 đạt 44 MW, 50% diện tích mái hiện có diện tích từ 5.000 m2 trở lên lắp đặt điện mặt trời.

“Theo định hướng, đến năm 2025, sẽ có hơn 80% cơ sở công tại TP. Đà Nẵng lắp đặt ĐMTMN. Như vậy, rõ ràng TP. Đà Nẵng đã có sự quan tâm và đánh giá cao tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời. Và thực tế tiềm năng còn rất lớn”, bà Thu nói và cho rằng để nhân rộng hơn nữa mô hình cần có cơ chế chính sách hỗ trợ về mặt tài chính và đặc biệt cần sự phối hợp với các ngân hàng thương mại để các cơ sở công cũng như các hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn vay với cơ chế ưu đãi hơn. “Khi làm việc với các cơ sở công và các hộ gia đình, chúng tôi nhận thấy họ rất mong muốn đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời và mong muốn có cơ chế hỗ trợ về vay vốn để thực hiện được dự án”, bà Thu nói.

Bên cạnh đó, ở góc độ chuyên gia, bà Thu cho rằng, để thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà, Chính phủ, Bộ Công Thương cần có cơ chế giá điện mang tính ổn định, có tính dài hạn hơn để người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư hệ thống. “Vòng đời của mỗi dự án điện năng lượng mặt trời khoảng 20 năm. Tuy nhiên cơ chế giá điện hiện mới chỉ 1 năm, 2 năm hay tối đa 5 năm. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế giá điện lâu dài, có tầm nhìn và dài hơi hơn”, bà Thu đề xuất.

Link gốc


  • 06/11/2020 04:58
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 929