Các dự án điện mặt trời, điện gió ở Đắk Lắk phát triển nở rộ, tạo nên một thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã đề ra mục tiêu với các giải pháp để trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên trong tương lai.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh. Với nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo sẵn có, toàn tỉnh phấn đấu đến giai đoạn 2020 - 2030, tổng công suất điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng 5.000MW - 7.000MW (chiếm khoảng 26,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo quốc gia), đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Mục tiêu của từng giai đoạn 5 năm cũng đã được xây dựng cụ thể, từ đó tạo cơ sở cho việc phát triển bền vững đến năm 2045.
Đối với thủy điện, Đắk Lắk sẽ tập trung khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, đảm bảo môi trường các nhà máy hiện có, đồng thời cũng được thực hiện chọn lọc, xem xét kỹ lưỡng để bổ sung một số thuỷ điện vừa và nhỏ.
Đện gió cũng được tập trung, đẩy mạnh khai thác tại các khu vực có tiềm năng, phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025, đưa vào vận hành phát điện thương mại trên 1.000MW.
Công trình điện gió tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: congthuong.vn |
Cùng với đó, lưới điện truyền tải cần được đầu tư, xây dựng kịp thời để giải tỏa công suất đưa vào vận hành trên 1.500MW. Đối với điện mặt trời, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên phát triển các dự án trên các hồ thủy lợi, thủy điện và khuyến khích các công trình điện mặt trời áp mái. Mặt khác, với các loại hình năng lượng này, việc phát triển được tính toán tập trung tại các khu vực đất đai cằn cỗi, sản xuất nông, lâm nghiệp không mang lại hiệu quả kinh tế, các dự án điện mặt trời kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp. Đồng thời, điện sinh khối, rác thải với các nguồn điện từ rác thải đô thị, sinh khối được quan tâm khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Với những mục tiêu và định hướng này, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn và thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch. Theo đó, tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc để đề xuất với Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan bổ sung nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Mặt khác, việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo yêu cầu hạ tầng truyền tải cũng phải được đầu tư đồng bộ.
Do đó, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải các đường dây điện, trạm biến áp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định danh mục hạ tầng năng lượng có thể dùng chung và xây dựng chính sách chung phù hợp với cơ chế thị trường; có chính sách về đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện. Đồng thời, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển công nghệ chế tạo theo hướng tăng cường nội lực, tăng tỉ lệ nội địa hóa với các dự án năng lượng, ưu tiên phát triển ngành chế tạo máy, thiết bị điện đặt tại địa phương cũng được quan tâm.
Hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển của năng lượng tái tạo nói chung, các đơn vị thuộc EVN, EVNCPC cũng đã đề xuất xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất tại các khu vực tập trung nhiều công trình phát điện. Trong đó, gần đây nhiều trạm 110kV đã được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành.
Đặc biệt, Trạm 500/220kV Krông Búk (Cư M’gar) với công suất 2x900MVA dự kiến xây dựng tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai các bước đầu tiên để thực hiện dự án. Khi đi vào vận hành, công trình này sẽ góp phần đảm bảo truyền tải công suất của các dự án điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đảm bảo cơ sở hạ tầng, tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có cơ chế đặc thù, ưu tiên để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo. Từ đó, địa phương tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch và công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển các dự án. Việc đầu tư cũng thuận lợi với thủ tục hành chính đơn giản để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, sử dụng mặt nước trong lĩnh vực năng lượng.
Link gốc