Đầu tư vào điện mặt trời, làm sao để khỏi "bỏng rát"?

Hàng loạt tập đoàn như Trung Nam, Sao Mai, Trường Thành, Bamboo Capital, BIM... đang chạy đua nước rút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chạy nước rút

Những ngày tháng 9, không khí hối hả diễn ra tại Tập đoàn Sao Mai (mã ASM). Tập đoàn đang dồn lực cho việc triển khai giai đoạn 2 của Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2020 để được hưởng mức giá bán ưu đãi khi phát điện thương mại đến rất gần, nên những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời như Sao Mai đang vào giai đoạn chạy nước rút.

Giai đoạn 2 có công suất 106MW, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất phát điện của nhà máy lên 210MW. Tổng vốn đầu tư cho nhà máy dự kiến sẽ chạm mốc 6.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Nhà máy điện mặt trời Sao Mai tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang - Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn.

Trong khi đó, cánh đồng muối Quán Thẻ (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) - cánh đồng muối lớn nhất Đông Nam Á, với những ruộng muối trắng lấp lóa trải dài lại mang diện mạo mới khi Tập đoàn BIM Group đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại đây.

Bên cạnh những ruộng muối, xuất hiện những dàn pin năng lượng mặt trời. Còn ở phía trên cao là các cánh quạt điện gió.

Ninh Thuận đang trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhờ tổng giờ nắng trung bình 2.843 giờ/năm, cao nhất cả nước. Lượng bức xạ thực tế hàng năm là 161,6 kcal/cm2, trung bình ngày tương đương với 5.221 kWh/m2, chênh lệch về lượng bức xạ mặt trời giữa các mùa không cao.

Nhu cầu tiêu thụ điện cả nước được dự báo tăng trưởng ở mức 11%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu hụt điện sẽ ở mức 48 tỷ kWh hoặc hơn vào năm 2025.

Hiện nay, Trung Nam đã đầu tư tổng cộng gần 700MW năng lượng sạch, tái tạo. Riêng về điện gió, do đầu tư khá khó khăn nên trong 10 năm gần đây tính chung trên cả nước mới chỉ làm được 400MW. Trong đó, riêng Trung Nam đã là hơn 100MW. Từ nay đến năm 2030, dự kiến Công ty Trung Nam sẽ phát triển khoảng 10.000MW với điện mặt trời và điện gió.

Nhiều cơ chế ưu đãi đã được Chính phủ ban hành nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Chính phủ, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế ưu đãi với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời; Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Trước cơ hội to lớn từ mảng năng lượng mặt trời, ngoài Sao Mai, BIM Group, còn rất nhiều tập đoàn kinh tế đang bị sức hấp dẫn của mảng điện năng lượng mặt trời thu hút. Có thể kể đến hàng loạt cái tên như Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn Thành Thành Công (mã TTC), Tập đoàn Sơn Hà (mã SHI), Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG)… Trong đó, Trung Nam được xem là doanh nghiệp đang đầu tư mạnh nhất vào lĩnh vực này.

Đến nay, BIM Group đã đưa vào vận hành 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 330 MW. Giai đoạn 2020 - 2021, Tập đoàn tiếp tục phát triển 200MW điện gió và điện mặt trời.

Trong khi đó, tại Bamboo Capital, danh mục dự án điện mặt trời đang ngày càng mở rộng. Hiện tại, Công ty đã đầu tư vào hai dự án năng lượng mặt trời tại Long An với công suất 141MW và đang triển khai dự án Phú Mỹ, có công suất 330MW tại Bình Định. Tham vọng của Công ty là nâng tổng công suất trong mảng năng lượng sạch lên tới 2GW vào năm 2025.

Không chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, thời gian qua, nhiều công ty thủy điện cũng chuyển hướng đầu tư mạnh xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió. Dư địa xây thêm nhà máy thủy điện không còn, hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào diễn biến thủy văn là lý do để các doanh nghiệp thủy điện đã tích lũy được nguồn lực tài chính nhất định mở rộng sang mảng mới.

Đơn cử, Trường Thành Group từ năm 2017 đã bắt đầu đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ.

Nhà máy đã hoà lưới điện quốc gia từ quý IV/2019. Công ty cũng đang cấp tập triển khai lắp đặt Nhà máy điện mặt trời Hồ Núi Một 1, công suất 50MW để kịp đóng điện trong tháng 10 này.

Điện mặt trời nổi được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn ở nước ta nhờ có nhiều hồ chứa lớn, bờ biển dài. Nhiều doanh nghiệp thủy điện như Thác Bà, Đa Nhim Hàm Thuận... đã tận dụng mặt hồ chứa nước để lắp đặt các trang trại điện mặt trời.

Sức hút của biên lợi nhuận gộp 65 - 75%

Theo một chuyên viên phân tích công ty chứng khoán chuyên theo dõi ngành điện, do cơ chế đảm bảo về đầu ra và chính sách khuyến khích đầu tư, các dự án năng lượng mặt trời rất thuận lợi trong việc huy động vốn tín dụng. Tỷ lệ vốn từ nguồn này cho mỗi dự án có thể chiếm tới 70 - 80% tổng vốn đầu tư. Tính ra, chủ đầu tư chỉ cần có nguồn vốn chủ sở hữu đôi ba trăm tỷ đồng đã có thể triển khai dự án có quy mô nghìn tỷ.

Dễ dàng hơn trong bài toán huy động vốn, trong khi với những cơ chế ưu đãi về giá mua điện, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất cùng hàng loạt ưu đãi khác, nên các nhà máy điện mặt trời có thể cho biên lợi nhuận gộp lên tới 60 - 70% nếu vận hành ổn định.

Sau từ 10 - 15 năm, khi nợ vay đầu tư được trả hết, thậm chí nhà máy cũng được khấu hao xong và doanh nghiệp chỉ còn tốn các chi phí thường xuyên như bảo dưỡng, trùng tu, chi phí nhân công vận hành, lợi nhuận sẽ gia tăng đáng kể.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, phát triển ngành năng lượng tái tạo là một cơ hội lớn trong tương lai - Ảnh: Minh Phương.

Tại Tập đoàn Sao Mai, nửa đầu năm nay, mảng điện năng lượng mặt trời cho doanh thu 278 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 76,8%, cao hơn rất nhiều so với các mảng chủ lực khác của Tập đoàn. Con số này đủ để trả lời cho câu hỏi sức hấp dẫn của đầu tư năng lượng tái tạo đến từ đâu.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành tiết lộ: “Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của các dự án điện năng lượng mặt trời dao động trong khoảng từ 30 - 50%”.

Sáu tháng đầu năm 2020, Trường Thành Group báo cáo con số doanh thu thuần gần 170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng. Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015 - 2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu rất cụ thể. Theo đó, lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, phát triển ngành năng lượng tái tạo là một cơ hội lớn trong tương lai, phù hợp với xu thế giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam chủ yếu là thủy điện nhỏ, sinh khối, gió và mặt trời. Trong đó, thủy điện nhỏ đã có truyền thống phát triển từ lâu và đang được duy trì tại các tỉnh miền núi. Nguồn năng lượng mặt trời, điện gió, sinh khối ở Việt Nam vô cùng phong phú, đã và đang tạo ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo.

Làm sao để tránh "bỏng rát"?

Dù biên lợi nhuận lớn, hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng đầu tư vào điện mặt trời, điện gió cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Diện tích mặt bằng cần có để lắp đặt dàn pin của một nhà máy là rất lớn. Như Nhà máy Phù Mỹ (Bình Định) của Tập đoàn Bamboo Capital, công suất 330MW, phải triển khai trên khu đất có diện tích lên tới 325 ha. Dự án của Sao Mai có công suất 210MW cũng được triển khai trên diện tích khoảng 270 ha.

Giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất là thách thức lớn với các chủ đầu tư, vì không dễ dàng gì nhận được sự đồng thuận của tất cả người dân có đất trong khu vực dự án. Đây chính là nguyên nhân khiến một số dự án điện mặt trời triển khai chậm so với kế hoạch.

Khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp điện mặt trời cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ở đầu vào là yếu tố biến động thời tiết. Năm nào mưa nhiều, ít nắng, nhà máy không phát huy hết công suất. Những nhà máy được xây dựng ở khu vực có tiềm năng bức xạ nhiệt tốt như Ninh Thuận, Bình Thuận lại gặp phải câu chuyện quá tải đường dây truyền tải như từng xảy ra giữa năm 2019.

Việc các chủ đầu tư dồn dập triển khai để kịp tiến độ hưởng cơ chế ưu đãi giá khiến hệ thống truyền tải điện không theo kịp là nguyên nhân của tình trạng này. Công suất lắp điện mặt trời ở thời điểm giữa tháng 7 đạt 4.464MW, tăng 49% so với hồi đầu năm và gấp 5 lần so với mục tiêu 850MW trong Quy hoạch điện 7 sửa đổi cho năm 2020.

Theo đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Phước Mỹ (Ninh Thuận), “đợt quá tải đường dây hồi giữa năm ngoái là một ví dụ điển hình về rủi ro của chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời”.

Với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng ngành điện, chi phí có thể lên tới 90% doanh thu, do phải trả lãi vay và chi phí khấu hao lớn. Chỉ cần giảm công suất 10% là có thể “bay” hết lợi nhuận. Tình trạng này càng kéo dài thì thiệt hại với doanh nghiệp càng tăng.

Hiện nhiều nhà máy điện mặt trời đã được giải tỏa công suất, nhưng theo một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc xây dựng hệ thống truyền tải điện vẫn đang gặp khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng.

Để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí trong thời gian ngắn hơn, nhưng để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV phải mất khoảng 3 - 5 năm.

Sự bất cân xứng trong tốc độ phát triển của nguồn phát điện và hệ thống truyền tải đang là thách thức lớn mà các nhà đầu tư cần chú ý để không bị bỏng rát khi “đi về phía mặt trời”.

 “Phát triển điện mặt trời và điện gió đang được Chính phủ và giới chuyên gia xem là định hướng để giải quyết bài toán an ninh năng lượng của đất nước, nhờ tiềm năng lớn và thân thiện với môi trường” - Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam.

 

 

 

 

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc BCG Energy: “Những nút thắt sẽ được tháo gỡ"

Khi quyết định đầu tư một dự án năng lượng tái tạo, chúng tôi thường phải xem xét rất kỹ các yếu tố liên quan đến khả năng đấu nối với hệ thống truyền tải điện, khả năng giải phóng mặt bằng, giải tỏa đất đai, khả năng phát triển mở rộng dự án, tiềm năng lâu dài…

Chúng tôi tin rằng, những nút thắt của thị trường năng lượng tái tạo như khó khăn trong việc đấu nối, hạ tầng đường dây truyền tải… được Chính phủ quan tâm và đều sớm có giải pháp tháo gỡ. Bởi an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng. Thực tế thời gian qua, các vấn đề khó khăn liên quan đến đấu nối, hệ thống truyền tải điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận đều nhanh chóng được các cơ quan quản lý “vào cuộc” giải quyết.

Link gốc


  • 05/10/2020 10:18
  • Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
  • 1031