Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà cao tầng

Đã đến lúc cần đưa ra các quy định bắt buộc các công trình xây dựng mới cũng như khi cải tạo cần tuân thủ các yêu cầu, giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm…

Sử dụng năng lượng còn lãng phí

Theo khảo sát của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng sử dụng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%. Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị, 75% năng lượng được tiêu tốn bởi điều hòa không khí; 10% là thiết bị chiếu sáng, các thiết bị khác chiếm 15%.

tòa nhà, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện

Vẫn còn nhiều tòa nhà cao tầng hiện chưa chú trọng đến công tác tiết kiệm năng lượng - Ảnh: Ng.Tuấn.

Đối với khách sạn, các con số này lần lượt là 60%, 25% và 15%. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà ở TP.HCM tương đối lớn khoảng 10%-40%. Tại TP.HCM, mỗi năm xây dựng mới khoảng 3,5 triệu m2 các công trình do đó nhu cầu về năng lượng trong các tòa nhà cao tầng là rất lớn. Mỗi năm TP.HCM trích 14%-15% GDP dành cho nhu cầu về năng lượng, chi gần 13.000 tỷ đồng trả cho mức tiêu thụ năng lượng.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết, nhìn chung, việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống các văn bản chính sách về tiết kiệm năng lượng chưa đồng bộ; một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng (TKNL) nói chung và các công trình xây dựng nói riêng còn thiếu.

Tình trạng phổ biến hiện nay là việc lắp đặt hệ thống điều hòa không khí không phù hợp, không vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ; lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu TKNL, thiết bị chiếu sáng còn sử dụng nhiều bóng đèn sợi đốt…

Ngoài ra, hiểu biết và các hành động TKNL của người sử dụng còn hết sức hạn chế. Bộ Xây dựng cũng đã đưu ra nhiều tiêu chuẩn như “Nhà cao tầng, nhà văn phòng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả”. Tuy nhiên, chưa có những hướng dẫn đồng bộ cũng như những chế tài cụ thể đối với việc TKNL trong những công trình vì thế tiềm năng TKNL trong các công trình hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Khuyến khích phát triển vật liệu không nung

Theo vụ Khoa học Công nghệ, nếu các công trình xây dựng áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc; sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng; lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao; có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ; tận dụng không gian, ánh sáng tự nhiên… thì có thể tiết kiệm từ 30%-40% năng lượng tiêu thụ.

Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp TKNL cũng có thể tiết kiệm từ 15%-25%.

TKNL trong các công trình xây dựng là xu thế chung của thế giới nhằm hướng đến việc xây dựng các công trình xanh, trong đó sử dụng đồng bộ các giải pháp từ thiết kế công trình, sử dụng thiết bị và vật liệu xanh. Đặc biệt, cần khuyến khích ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển các loại vật liệu không nung, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu tái chế; các giải pháp thiết kế công trình hướng đến việc tận dụng tối đa năng lượng từ thiên nhiên như ánh sáng, gió kết hợp với các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, xu hướng đầu tư phát triển bất động sản theo hướng thân thiện với môi trường và lựa chọn các giải pháp “xanh” cho công trình chắc chắn sẽ giúp các chủ đầu tư giảm chi phí đáng kể trong việc sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm phát hiệu ứng nhà kính cho cộng đồng.

Song, để làm được điều này, chúng ta cần phải đồng bộ các giải pháp. Cụ thể như về cơ chế chính sách cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại vật liệu xây dựng đặc biệt là vật liệu không nung; công bố và ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng vật liệu không nung đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tiêu hao, tiêu tốn ít tài nguyên.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, để nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới, cần có những giải pháp đồng bộ. Cần nhanh chóng xây dựng một đội ngũ tư vấn thiết kế có đầy đủ năng lực tư vấn thiết kế cho các tòa nhà. Bên cạnh đó, với những yêu cầu cấp thiết về tiết kiệm năng lượng như hiện nay, đội ngũ tư vấn thiết kế nên tự cập nhật các kiến thức về các công trình xanh để áp dụng vào những thiết kế của mình. Khi xây dựng được một đội ngũ tư vấn thiết kế theo những tiêu chuẩn hiện hành thì hiệu quả tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, đặc biệt là các tòa nhà xây mới sẽ tăng lên.


  • 11/09/2016 09:49
  • Theo: nguoitieudung.com.vn
  • 4180