Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2

Ngày 7/4/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin Năng lượng Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) với chủ đề  “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí”.

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ hai) diễn ra với chủ đề: “Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí”.

Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi, phân tích các vấn đề bất cập, thách thức, cơ hội cho việc phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Thông qua diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan có liên quan tổng hợp, ghi nhận những kiến nghị, tham vấn của doanh nghiệp, nhà đầu tư về năng lượng sạch để ban hành các quy định và cơ chế phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường phát triển các dạng năng lượng xanh và sạch.

Tại diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: tại COP 26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí mê- tan vào năm 2030 so với năm 2020. Hiện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nước ta cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác.

Dù vậy, theo ông Hoàng Trọng Hiếu – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển Điện lực, sự phát triển mạnh của điện gió và điện mặt trời trong thời gian qua đã dẫn đến mất cân đối nguồn – tải theo miền do các nguồn điện gió, điện mặt trời phát triển chủ yếu tại miền Trung và miền Nam. Thực tế, hiện có 96% nguồn điện mặt trời và toàn bộ nguồn điện gió đã vận hành tại miền Trung và miền Nam, trong khi chỉ có 4% nguồn điện mặt trời đã vận hành tại miền Bắc. Nguồn điện mặt trời mái nhà phát triển quá nhanh và cũng chủ yếu phát triển mạnh ở khu vực miền Trung và miền Nam đã góp thêm áp lực đến sự cân bằng nguồn – tải giữa các vùng miền.

Cũng theo ông Hiếu, những khó khăn thách thức trong quá trình triển khai năng lượng sạch gồm: Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn đầu tư… Trong hệ thống điện có tích hợp các nguồn điện mang tính bất định cao như điện gió, điện mặt trời nên cần phải tăng dự phòng của hệ thống nhằm đảm bảo sự ổn định hệ thống điện quốc gia, dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống. Mặt khác, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, tiềm ẩn rủi ro do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy các tổ chức tài chính ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án đầu tư vào NLTT.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn và bước đầu đã có một số cơ chế khuyến khích đầu tư. Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm từ các nước trong phát triển năng lượng tái tạo như: Đột phá nhờ chính sách - Nhà nước cần có chính sách cụ thể về phát triển năng lượng sạch, đồng thời có sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hành các chính sách đó; xây dựng Quỹ năng lượng tái tạo; tiếp tục khuyến khích đầu tư mạnh mẽ, thu hút có hiệu quả nguồn vốn vào lĩnh vực này…

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức vinh danh “TOP 10 nhà đầu tư IPP năng lượng sạch uy tín ở Việt Nam 2021” và “TOP 10 doanh nghiệp công nghệ, thiết bị, dịch vụ điện gió, mặt trời được đánh giá tốt nhất Việt Nam 2021” nhằm ghi nhận, động viên và quảng bá các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các nguồn điện sạch tiêu biểu; cung cấp các thiết bị điện công nghệ cao, cung cấp dịch vụ xây dựng dự án năng lượng sạch góp phần tăng hiệu quả đầu tư và đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy.


  • 07/04/2022 02:58
  • Minh Anh
  • 1062