Điện gió ngoài khơi là ưu tiên chính trong nguồn cung điện châu Âu từ nay đến năm 2050. Nguồn ảnh: windeurope.org.
|
Theo Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (WindEurope), tính đến cuối năm 2019, toàn Liên minh châu Âu (EU) hiện có 5.046 tuabin gió ngoài khơi, với công suất đạt khoảng 22,1 GW, được kết nối với lưới điện của 11 quốc gia, trong đó Vương quốc Anh chiếm khoảng 45%.
Tuy nhiên, với việc thực hiện Thỏa thuận Brexit trong tương lai gắn với việc Anh rút khỏi EU, công suất lắp đặt của điện gió ngoài khơi ở các quốc gia thành viên EU sẽ giảm xuống chỉ còn gần 12 GW.
Chính vì vậy, trong chiến lược đối với các lĩnh vực năng lượng tái tạo khác nhau trên biển (điện mặt trời nổi, năng lượng thủy triều...), EC đã đặt tham vọng tăng lượng điện gió ngoài khơi của EU lên gấp 5 lần vào năm 2030 và 25 lần vào năm 2050 (tức đạt 60 GW vào năm 2030 và lên 300 GW vào năm 2050); đồng thời đưa ra mục tiêu 40 GW cho các công nghệ năng lượng biển khác vào năm 2050.
Vì vậy, EC ước tính rằng sẽ cần gần 800 tỉ euro đầu tư vào năm 2050, trong đó 2/3 tổng số tiền trên để tài trợ cho cơ sở hạ tầng mạng lưới. EC cam kết sẽ giúp giải ngân các khoản đầu tư này, thiết lập một khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên EU và hướng các nguồn vốn khác nhau vào lĩnh vực này.
Hiện EC đã xây dựng kế hoạch triển khai các turbine phát điện ngoài khơi, dựa trên tiềm năng rộng lớn của các khu vực biển ở châu Âu (Biển Bắc, Biển Baltic, Biển Đen, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương), đồng thời dựa trên vị trí dẫn đầu mà một số công ty châu Âu chiếm lĩnh trong lĩnh vực này trên thế giới. Đã có gần 93% công suất điện gió ngoài khơi ở châu Âu do các công ty châu Âu lắp đặt. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức kinh tế và kỹ thuật cần phải vượt qua.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ước tính công suất điện gió ngoài khơi có thể tăng gấp 15 lần vào năm 2040. Dự kiến, điện gió ngoài khơi có thể sản xuất 1.280 TWh trên toàn thế giới vào năm 2040, tương đương khoảng 3,1% sản lượng điện toàn cầu mỗi năm dự kiến vào thời điểm đó (so với 0,2% vào năm 2018). Trong đó, EU, Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau chiếm 82% sản lượng điện gió ngoài khơi thế giới vào năm 2040, theo kịch bản chính của IEA.