Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga (đứng). Nguồn ảnh: Reuters. |
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide (CO2), lượng hấp thụ trong rừng và các quá trình tự nhiên khác xuống mức 0 vào năm 2050.
Với mục tiêu mới này, Nhật sẽ bắt kịp Liên minh châu Âu vốn đã đặt ra mục tiêu tương tự vào năm ngoái. Các công ty thuộc các ngành năng lượng điện, ô tô và thép sẽ phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để thực hiện mục tiêu trên.
Nhật vốn là nước bị chỉ trích vì sử dụng quá nhiều năng lượng phát điện từ than và là quốc gia G7 duy nhất vẫn xây dựng các nhà máy điện than. Theo Thủ tướng Suga, đây là kế hoạch để quốc gia "xứ phù tang" chấm dứt việc phụ thuộc vào than đá, đóng góp vào biến đổi khí hậu.
Theo bài phát biểu của ông Suga, một gói loại bỏ carbon có thể bao gồm việc hỗ trợ thu giữ, cũng như lưu trữ carbon và hydro xanh. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Mặc dù Thủ tướng Suga không đưa ra thời gian biểu chính xác để đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính và hấp thụ chúng nhưng lại đề cập đến tầm quan trọng của công nghệ. "Chìa khóa là sự đổi mới, đặc biệt là tấm quang điện mặt trời thế hệ mới” - Thủ tướng Nhật Bản khẳng định.
Được biết, chiến lược khí hậu dài hạn trước đây của Nhật Bản là cắt giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050 so với mức năm 2010 và đạt được mức độ trung tính carbon “vào thời điểm sớm nhất có thể trong nửa cuối thế kỷ này”; chủ yếu dựa vào các giải pháp công nghệ để hạn chế phát thải; đồng thời cam kết sử dụng thu giữ và lưu trữ carbon trong sản xuất nhiệt điện than vào năm 2030.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nhật Bản đã ký Thỏa thuận Paris vào năm 2015, là nền phát thải khí nhà kính lớn thứ sáu trên thế giới vào năm 2018.