Ông Nguyễn Đức Cường Chuyên gia cao cấp Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương.
|
PV: Xin ông cho biết tình hình phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Cường: Tính đến thời điểm này, Việt Nam có một nhà máy điện mặt trời đang được xây dựng tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi trên diện tích 24 ha, công suất thiết kế 19,2 MW. Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cũng vừa cấp phép đầu tư Dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong cho Công ty TNHH DooSung Vina trên diện tích 50 ha, công suất thiết kế 30 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 66 triệu USD.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn (trong và ngoài nước) cũng đang xúc tiến triển khai hơn 30 dự án điện mặt trời, trung bình công suất mỗi dự án khoảng 50 MW, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những khu vực có cường độ bức xạ mặt trời và số giờ nắng cao, trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày.
PV: Ông có thể lý giải, tại sao các nhà đầu tư lại “ồ ạt” phát triển điện mặt trời ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Đức Cường: Những năm trước đây, phát triển điện mặt trời có suất đầu tư khá lớn. Song hiện nay, suất đầu tư điện mặt trời đã giảm và hấp dẫn hơn, dao động từ 1.400 - 1.800 USD/kW (tùy thuộc vào địa điểm) và có xu hướng tiếp tục giảm. Một số quốc gia sản xuất pin mặt trời còn đưa ra giới hạn suất đầu tư chỉ còn từ 1.100 - 1.300 USD/kW.
Để phát triển điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nêu rõ định hướng phát triền nguồn năng lượng mặt trời, cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia.
Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án điện mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và các nguồn riêng lẻ lắp đặt trên nóc nhà, đưa công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW năm 2020, khoảng 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.
PV: Bên cạnh thuận lợi, việc phát triển điện mặt trời đang phải đối diện với những thách thức gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Cường: Thách thức lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính liên quan đến việc xin cấp phép xây dựng, bổ sung nguồn điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia và quy hoạch điện của từng địa phương trong việc triển khai các dự án. Trường hợp dự án có công suất thiết kế trên 50 MW phải bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia, dưới 50 MW bổ sung vào Quy hoạch điện tỉnh.
Cuối năm 2015 – đầu năm 2016, Viện Năng lượng và các cơ quan liên quan đã hoàn thành cơ chế hỗ trợ điện mặt trời nối lưới, bao gồm biểu giá điện cố định, kèm theo các ưu đãi về thuế thu nhập, thuế nhập khẩu thiết bị, cơ sở hạ tầng… Dự kiến, giá bán cố định đối với điện mặt trời nối lưới là 11,2 UScents/kWh. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế này vẫn chưa được Chính phủ thông qua.
Điện mặt trời tại Việt Nam còn phát triển khá khiêm tốn - Ảnh: Ng. Tuấn.
|
PV: Mới đây, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành nghị quyết về phát triển điện mặt trời. Ông có nhận xét gì về quyết định này?
Ông Nguyễn Đức Cường: Hiện nay, tổng công suất các nguồn điện của Việt Nam khá lớn và có khả năng dự phòng lên đến 30%, nhưng phân bố không đều giữa các miền. Trong đó, tổng công suất các nguồn thủy điện vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, lên đến gần 40%, tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung, lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Điển hình như 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất hạn chế, hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam liên tục phải truyền tải công suất cao từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, kéo theo tổn thất điện năng cao.
Vì vậy, việc phát triển điện mặt trời trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là rất cần thiết và EVN có đủ điều kiện để phát triển nguồn năng lượng sạch này. Phát triển điện mặt trời còn thể hiện cam kết của EVN trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã được thông qua tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (Hội nghị COP21). Vì vậy, EVN có đủ khả năng để tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế trong và ngoài nước.
PV: Vậy, để EVN nói riêng và các nhà đầu tư nói chung có thể phát triển điện mặt trời một cách hiệu quả, cần có thêm những điều kiện gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Cường: Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là Bộ Công Thương và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện biểu giá điện phù hợp đối với các dự án điện mặt trời nối lưới và trên nóc nhà, hài hòa lợi ích của cả 3 bên, đó là: Chủ đầu tư (bên bán điện), EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh – không phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần sớm bổ sung quy định cụ thể hơn về quy hoạch định hướng đối với điện mặt trời ở nước ta (phát triển các dự án theo bản đồ bức xạ mặt trời, bổ sung các dự án điện sử dụng NLMT vào quy hoạch phát triển điện lực bao gồm cả phần đấu nối, trách nhiệm thực hiện…).
Bộ Công Thương bổ sung, hoàn thiện quy định về miễn giấy phép kinh doanh và không phải nộp các loại thuế, phí đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà (công suất lắp đặt không quá 50 kW) đảm bảo theo đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xem xét để sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời trong năm 2016, tạo điều kiện và động lực phát triển nguồn điện này từ năm 2017. Kinh nghiệm cho thấy tại Thái Lan, sau khi Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ về giá, các loại thuế… trung bình mỗi năm Thái Lan đã phát triển được 1.000 MW điện mặt trời.
PV: Xin cảm ơn ông!