Điện mặt trời vẫn chờ... giá

Các mô hình, dự án điện mặt trời đã phát triển ở miền Nam trong gần chục năm qua nhưng chưa thể phát triển mạnh vì chưa có cơ chế mua bán linh hoạt và giá bán điện cho công ty điện lực.

Việt Nam được xác định có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Theo Viện Năng lượng (Bộ Công thương), tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230 - 250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời. Còn theo Cục Thông tin khoa học công nghệ quốc gia (Bộ KH-CN), cứ mỗi một ngày trôi qua, mặt trời “gửi xuống” cho VN từ 3 - 4,5 kWh/m2 (vào mùa đông) và từ 4,5 - 6,5 kWh/m2 (mùa hè).

Thừa phải cho, thiếu phải mua

Từ năm 2010, ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty CP năng lượng Mặt Trời Đỏ (Redsun), đã trang bị hệ thống điện mặt trời cho văn phòng công ty ở P.10, Q.5 (TP.HCM). Nhờ hệ thống điện mặt trời có công suất 1 kW được lắp đặt trên sân thượng này mà công ty vẫn hoạt động bình thường mỗi khi cúp điện, không phải chạy máy phát điện gây tiếng ồn và khói bụi.

Tương tự, năm 2014, anh Hiệp (Q.6, TP.HCM) cũng lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất 1 kW, chi phí khoảng 80 triệu đồng, trên mái nhà của mình. Hệ thống này mỗi ngày cung cấp khoảng 4 - 5 kW, được dùng để thắp sáng 4 bóng đèn huỳnh quang loại 40 W và sử dụng cho 4 quạt máy và 1 ti vi. Chỉ những ngày mưa nhiều, ít nắng mới phải sử dụng thêm điện lưới quốc gia.

Điện mặt trời vẫn chờ cơ chế giá - Ảnh: Thành Trung.

Phong trào sử dụng điện mặt trời những năm gần đây đã lan tỏa ra nhiều địa phương. Năm 2016, anh V.H (ở H.Hàm Tân, Bình Thuận) đầu tư hệ thống điện mặt trời, nối với lưới điện quốc gia để khi công suất thừa sẽ tự động hòa vào lưới điện còn khi thiếu sẽ sử dụng điện lưới. Với công suất 2 kW, tổng chi phí khoảng 140 triệu đồng, hệ thống này giúp anh H. tiết kiệm mỗi tháng 2/3 tiền điện so với trước đó. Tuy nhiên, khi điện từ hệ thống nhà anh dư thừa, hòa vào lưới điện thì gia đình anh không được công ty điện lực trả tiền. Còn khi thiếu, sử dụng điện từ điện lưới lại phải tốn tiền trả cho ngành điện.

“Chính vì vậy mà khi thiết kế hệ thống này tôi cố tình làm thấp hơn nhu cầu sử dụng của gia đình mình vì nếu làm cao hơn cũng không được lợi ích gì”, anh H. nói và cho rằng, nếu ngành điện có chính sách bán - mua linh hoạt, bản thân anh có thể đầu tư hệ thống quy mô lớn hơn từ 2 - 3 lần. Nếu nhiều người làm như anh, không chỉ góp thêm công suất cho ngành điện suốt ngày kêu thiếu điện mà còn giúp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình muốn đầu tư điện mặt trời vẫn đang phải chờ Bộ Công thương ban hành các quy định liên quan đến việc nối lưới, khung giá bán điện mặt trời... Hiện tại họ chỉ có thể chọn đầu tư dưới hình thức “tự cung tự cấp” điện qua các dự án lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của các công ty, xí nghiệp.

Cần cơ chế mua bán linh hoạt

Theo tính toán của nhiều chuyên gia và các DN, chỉ riêng ở TP.HCM có ít nhất 300.000 mái nhà có thể lắp đặt được tấm thu năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Nếu mỗi mái nhà lắp đặt 2 tấm thu năng lượng, với công suất 260 W (có thể sử dụng đủ cho chiếu sáng, ti vi, quạt) thì toàn TP sẽ có tổng công suất điện mặt trời là 78 MW (tương đương với Nhà máy thủy điện Cần Đơn ở Bình Phước), mỗi năm phát điện được khoảng 105 triệu kWh. Đây là nguồn năng lượng sạch, giúp chúng ta không phải tốn đất để xây dựng nhà máy điện, không phải mất rừng (nếu là thủy điện) và sẽ không tốn nhiên liệu để chạy nhà máy (nhiệt điện)...

Một hệ thống điện mặt trời quy mô gia đình có thể hoàn vốn sau 6 - 7 năm, chỉ tính riêng phần chi phí tiền điện hằng tháng được tiết giảm. Trong khi hiện nay tuổi thọ của tấm pin năng lượng mặt trời là 25 năm, thường các nhà cung cấp bảo hành 10 năm. Như vậy dù bỏ ra một khoản chi phí lớn nhưng về lâu dài rất hiệu quả về mặt kinh tế. Nếu Việt Nam có chính sách cho phép điện từ hộ gia đình được hòa lưới điện sẽ có nhiều người tham gia. Và đây mới thật sự là chính sách xã hội hóa vì nó trực tiếp giảm tải về nhu cầu sử dụng điện trong dân.

Ông Diệp Bảo Cánh kiến nghị: “Để điện mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung phát triển, cần sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời nối lưới. Có chính sách mua điện mặt trời được lắp trên mái nhà. Hoặc chí ít phải có chính sách ghi nhận và bù trừ. Những nơi vùng sâu vùng xa, điện lưới khó khăn có thể thay bằng điện mặt trời”.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng, nhận xét: Dù có tiềm năng lớn nhưng năng lượng tái tạo cũng như điện mặt trời chưa phát triển mạnh ở Việt Nam là do cơ chế hỗ trợ chưa hấp dẫn, chi phí vận hành, giá thành cao nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Điện mặt trời từ các hộ gia đình hòa vào lưới điện về mặt kỹ thuật không phức tạp và chủ trương xã hội hóa là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên vấn đề phức tạp là cơ chế giá của nhà nước chưa hợp lý. Điện mặt trời trên mái nhà phải bán từ 12 - 13 cent/kWh mới có lời trong khi giá mua điện hiện tại chỉ có một nửa. “Lợi ích kinh tế chính là đòn bẩy, nếu không có người dân sẽ không làm, chỉ có những người thật sự tâm huyết và đam mê”, ông Dũng nói.

Chủ trương phải đi đôi với chính sách

Theo Quy hoạch điện VII (đã điều chỉnh), đến năm 2020 điện mặt trời chiếm tỷ lệ 9,9% tương đương 850 MW. Tuy nhiên, dù đã có chủ trương phát triển điện mặt trời nhưng đến thời điểm này khi nhiều người dân đã đầu tư, nhiều DN muốn triển khai dự án thì lại bị vướng vì chưa có cơ chế về giá bán điện. Không có giá mua - giá bán chính là lý do không thu hút được người dân, DN tham gia.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Đối với các quy mô hộ gia đình, tôi cho rằng họ sẵn sàng đầu tư và cách tính của họ là hiệu quả lâu dài 10 - 20 năm chứ không chỉ bài toán kinh tế ngắn hạn bán điện giá bao nhiêu, thu hồi vốn trong bao lâu. Chính vì vậy, cần có chính sách khuyến khích cho đối tượng này. Trên quy mô lớn hơn, có rất nhiều DN trong và ngoài nước muốn đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung. Tuy nhiên họ lại gặp nút thắt về cơ chế, chính sách. Trong khi các nước để khuyến khích DN đầu tư vào một lĩnh vực nào đó người ta luôn tạo những chính sách, giải pháp đi cùng chứ không thể có chủ trương chung chung”.

Chương trình Solar Hub (được tài trợ bởi Quỹ Thịnh Vượng của Vương quốc Anh, do Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, Công ty Dragon Capital, Công ty tư vấn kỹ thuật Artelia và Công ty luật DFDL Việt Nam) đã chọn ra 20 dự án trong tổng số 80 dự án từ các DN quan tâm đến hình thức đầu tư này. 14 dự án trong số này đang được triển khai nghiên cứu tiền khả thi với tổng công suất lắp đặt dự kiến là 12,8 MW, lượng điện sản xuất hằng năm khoảng 18 triệu kWh, giảm phát thải nhà kính hơn 9.800 tấn CO2/năm.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết: Năm 2016 xuất hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời với quy mô mỗi dự án 30 - 100 MW.

 


  • 24/03/2017 08:48
  • Theo: thanhnien.vn
  • 3832