Ngoài hiệu quả tiết kiệm điện, chương trình còn góp phần cung ứng điện đủ và ổn định trên địa bàn trồng cây thanh long, đem lợi ích kinh tế do giảm vốn đầu tư công trình điện đối với ngành điện, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.
Nói không với đèn sợi đốt
Là một trong những hộ dân tham gia chương trình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện từ đầu chương trình, ông Trần Đình Tân, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết: Trước đây, mỗi chu kỳ chong đèn cho 600 trụ thanh long (1/2 diện tích của gia đình) bằng đèn sợi đốt, gia đình phải trả trên 10 triệu đồng tiền điện. Qua 2 vụ dùng đèn compact chong thanh long cho thấy, chi phí tiền điện của gia đình đã giảm 2/3. Việc dùng đèn compact cũng giúp gia đình không tốn công hủy bỏ mắt gai, trời mưa không bị cháy, nổ bóng như đèn sợi đốt.
Theo ông Tân, vụ chong đèn năm nay gia đình sẽ dùng hoàn toàn bóng compact để chong thanh long cho toàn bộ 1.200 trụ thanh long của gia đình. “Từ bây giờ, gia đình sẽ nói không với đèn sợi đốt” – ông Tân nói.
Nhiều hộ dân trồng thanh long trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đã nói không với đèn sợi đốt trong việc chong thanh long - Ảnh: Đình Hoàng.
|
Ông Bùi Ngọc Lê, chủ trang trại thanh long Lê Huân, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết, từ năm 2013 gia đình đã ứng dụng bóng đèn compact để chong thanh long, nhưng từ khi biết chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact” của Công ty Điện lực Bình Thuận, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích 6,5 ha trồng thanh long bằng đèn compact nhằm tiết kiệm điện và giảm chi phí phát sinh khác.
Ông Bùi Ngọc Lê mong muốn, thời gian tới ngành điện tiếp tục có những chương trình hỗ trợ như vừa qua để người trồng thanh long có điều kiện thuận lợi sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, địa phương.
Hiệu quả thiết thực
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, mục đích của Chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện trước tiên là thúc đẩy việc sử dụng đèn compact trong khu vực trồng thanh long. Từ đó, chuyển đổi cơ cấu chủng loại đèn từ đèn sợi đốt sang sử dụng đèn tiết kiệm điện, giảm tỷ trọng và tiến đến xóa bỏ đèn sợi đốt sử dụng chong thanh long, góp phần đưa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về lợi ích tiết kiệm năng lượng qua sử dụng thiết bị điện hiệu suất cao trong sản xuất và tiêu dùng, giúp cho các hộ nông dân trồng thanh long giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, chương trình còn đạt được yêu cầu về cắt giảm công suất hệ thống điện, chống quá tải cục bộ gây mất điện phụ tải, giảm áp lực về đầu tư trong cung cấp điện ở những khu vực trồng thanh long.
Ngay sau khi EVN tổ chức lễ phát động Chương trình hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện, EVNSPC đã xây dựng Quy trình phối hợp và chính sách hỗ trợ cho các đoàn thể, hội tham gia quảng bá, đổi đèn theo chương trình tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Theo đó, ngành điện hỗ trợ quảng bá chương trình, hỗ trợ nhân công thay đèn, thu hồi đèn sợi đốt của nông dân, đơn vị cung cấp cam kết thực hiện giảm giá đèn 10% so với giá thị trường.
Sau hơn 2 năm triển khai chương trình, đã có 2.323 hộ nông dân tham gia với tổng số đèn được đổi hơn 2,065 triệu bóng compact của các nhà cung cấp Rạng Đông và Điện Quang. Trong đó, số lượng hộ tham gia nhiều nhất là ở Bình Thuận với 1.571 hộ, tiếp đến Tiền Giang có 532 hộ và Long An có 220 hộ tham gia. Tổng chi phí hỗ trợ chương trình là gần 17,6 tỷ đồng.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế đối với hộ trồng thanh long khi thực hiện chương trình, Phó Tổng giám đốc EVNSPC Nguyễn Phước Đức cho rằng, so sánh lợi ích tiết kiệm điện giữa đèn tròn sợi đốt và đèn compact (theo tính năng và công suất), các hộ nông dân sẽ tiết kiệm điện được 54.523 MWh/năm, tương ứng với giá trị tiết kiệm tiền điện là hơn 82 tỷ đồng/năm. Nếu tính tiết kiệm tiền điện theo tuổi thọ của bóng đèn (4.000 giờ) với số lượng trên thì sản lượng điện tiết kiệm là 330 GWh, tương ứng với giá trị tiền điện tiết kiệm được là 500 tỷ đồng.
Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, ông Đức đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành có cơ chế hỗ trợ chi phí cho nông dân tại các địa phương trồng thanh long đổi và duy trì sử dụng đèn tiết kiệm điện dùng chong thanh long vụ trái mùa. Đồng thời, có lộ trình ngừng sản xuất, lưu hành và sử dụng đèn sợi đốt có công suất lớn để việc tuyên truyền, vận động nông dân trồng thanh long sử dụng đèn tiết kiệm điện có hiệu quả, hình thành thói quen sản xuất và tiêu dùng bền vững trong toàn xã hội.
Đối với UBND các tỉnh đang phát triển diện tích canh tác thanh long, EVNSPC kiến nghị: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị truyền thông tại địa phương quảng bá kết quả từ chương trình đến với các hộ nông dân trồng thanh long trên địa bàn; duy trì việc ngừng sử dụng đèn sợi đốt và chuyển sang sử dụng đèn compact tiết kiệm điện để kích thích ra hoa cho cây thanh long tại các khu vực đã được quy hoạch phát triển loại cây trồng này.
Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng Thanh Long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện giai đoạn 2014 – 2016” tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An là một trong những nội dung của thoả thuận hợp tác tuyên truyền, vận động sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
|