Hai chương trình hành động lớn về biến đổi khí hậu

Ngày 11/9/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về nội dung dự thảo hai Chương trình hành động về vấn đề biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đây là các chương trình lớn của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao xây dựng các dự thảo có tính cấp thiết này.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã rà soát, cho ý kiến từng vấn đề trong các dự  thảo, đặc biệt là các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể trong các Chương trình. Phó thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến để sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành triển khai trong thời gian tới.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về kinh tế cho mỗi quốc gia trong quá trình phát triển 

Phó Thủ tướng lưu ý một số nội dung, trong đó có vấn đề tính toán, cân đối các nguồn lực thực tế để đảm bảo khả thi, trọng tâm các mục tiêu, dự án trong các Chương trình hành động. Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ vấn đề vốn thực hiện, các nội dung có thể trùng lắp với các công việc các Bộ, ngành đang triển khai hiện nay.

Dự thảo Chương trình hành động về vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), tài nguyên, môi trường khẳng định, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp của Chính phủ trong lĩnh vực sẽ có mục tiêu chung nhằm giảm nhẹ tác động của BĐKH, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia, bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Chương trình hành động có thời hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, đây là căn cứ quan trọng để các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai các nội dung lớn như tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BĐKH; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hoàn thiện  đổi mới chính sách, pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó  BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới và UB Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC) thì Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề và được ví là “tâm bão” của biến đổi khí hậu. Thậm chí, biến đổi khí hậu còn làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại xuất hiện nguy cơ gia tăng các loài “thiên địch”. Tính riêng, mỗi năm nước ta chịu ảnh hưởng từ 5-10 cơn bão và nhiều đợt lũ lụt lớn đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Do đó, Chương trình hành động về BĐKH để tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế cácbon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế với công nghệ lạc hậu thành nền kinh tế tăng trưởng xanh là chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế xã hội.


  • 13/09/2013 09:20
  • L.N
  • 2633