Hội thảo Doanh nghiệp trong hành trình hướng tới Net Zero và 100% năng lượng tái tạo

Ngày 16/12, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp trong hành trình hướng tới Net Zero và 100% năng lượng tái tạo dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo Doanh nghiệp trong hành trình hướng tới Net Zero và 100% năng lượng tái tạo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội tương tác và thúc đẩy tiếng nói của doanh nghiệp hướng tới Net Zero và 100% năng lượng tái tạo thông qua chia sẻ tầm nhìn và thảo luận về lộ trình giảm phát thải; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật và kết nối các nguồn lực tài chính để thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo.

Mở đầu hội thảo, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã cập nhật bối cảnh những cam kết quốc tế hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và quy hoạch năng lượng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP HCM đã tham gia trình bày nội dung Cộng đồng doanh nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0 và vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện NDC - Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Tại hội thảo, ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) đã giới thiệu các giải pháp giảm phát thải và ứng dụng năng lượng tái tạo trong các cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm tại Việt Nam.

Theo ông Hiền, hầu hết các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính khi áp dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo đều khả thi để triển khai, tiềm năng tiết kiệm năng lượng và ứng dụng năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay vẫn thiếu nguồn hỗ trợ kỹ thuật để nhận dạng và phát triển các dự án năng lượng bền vững, thiếu cơ chế mua bán năng lượng trực tiếp đối với năng lượng tái tạo…

Ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ nội dung Tiềm năng và mô hình đầu tư điện mặt trời mái nhà trong khối thương mại và công nghiệp: Chi phí và lợi ích

Ông Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng tái tạo GreenID đã chia sẻ chủ đề Tiềm năng và mô hình đầu tư điện mặt trời mái nhà trong khối thương mại và công nghiệp: Chi phí và lợi ích. Theo đó với tổng tiềm năng được ước tính là 48,5 GW, còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà. Cần đẩy mạnh nguồn năng lượng này khi chi phí sản xuất điện mặt trời giảm nhiều, điện mặt trời cũng mang lại những hiệu quả kinh tế như: phòng vệ tăng giá điện, giảm phát thải khí nhà kính, chống nóng, bảo vệ mái, nhận chứng chỉ xanh… nên cần đẩy mạnh nguồn năng lượng này.

Về mô hình đầu tư có thể lựa chọn hình thức tự đầu tư hoặc đầu tư bởi bên thứ 3. Khi tự đầu tư sẽ nhận được tất cả các lợi ích của dự án, tuy nhiên phải bỏ chi phí đầu tư và chịu các rủi ro liên quan. Đầu tư bởi bên thứ 3 sẽ không có rủi ro, được mua điện với giá rẻ, hệ thống luôn vận hành tối ưu, được chuyển giao hệ thống khi hết hợp đồng và không lo vấn đề môi trường, tuy nhiên cũng có nhược điểm là chi phí tăng thêm.

Theo ông Khánh, để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho các địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp. Đồng thời có sự hỗ trợ kỹ thuật (nghiên cứu tiềm năng, đánh giá khả thi, hướng dẫn đầu tư) và hỗ trợ đầu tư (kết nối đầu tư, tiếp cận tài chính…). Các hội thảo, tọa đàm cũng góp phần hỗ trợ trao đổi sâu về tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy giải pháp.

Cũng tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ những hoạt động hướng tới NET ZERO. Ngân hàng HD Bank thông tin về các gói hỗ trợ tài chính thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo.

Các nội dung thảo luận trong hội thảo diễn ra sôi nổi, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các doanh nghiệp và các chuyên gia năng lượng.


  • 18/12/2021 12:07
  • Thảo Nguyên
  • 1091