Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị.
|
Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021, đề xuất phương hướng thực hiện năm 2022. Đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình) giữa các địa phương, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng của cả nước.
Được biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai từ năm 2006. Việc triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tổ chức đa dạng các hoạt động thông tin tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ); phát động phong trào và nhân rộng mô hình Hộ gia đình SDNL TK&HQ đã triển khai quy mô lớn trên địa bàn các tình thành phố; đánh giá tiềm năng phát triển của các ngành công nghiệp; Hỗ trợ cải thiện hiệu suất của dây chuyền sản xuất; thực hiện áp dụng mô hình quản lý năng lượng cho các cơ sở dử dụng năng lượng; triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng…”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương cho biết: “Bên cạnh những thành quả nổi bật, trong quá trình triển khai Chương trình còn một số khó khăn như: nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng; nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện các yêu cầu của Luật; nguồn lực tài chính, lực lượng chuyên gia kỹ thuật còn hạn chế..."
Toàn cảnh Hội nghị
|
Báo cáo về kết quả hoạt động của Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ toàn quốc năm 2021, ông Hoàng Việt Dũng – Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các hoạt động chính ở trung ương và địa phương đều bám sát Quyết định số 280/QĐ-TTg, tập trung vào 6 nhiệm vụ: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Kinh phí thực hiện năm 2021 từ ngân sách trung ương là 30 tỷ đồng. Trong đó, giao nhiệm vụ 5,5 tỷ đồng; đặt hàng hoặc đấu thầu 24,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 147,2 tỷ đồng; nguồn khác 25 tỷ đồng.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh/ thành phố, tổng năng lượng tiết kiệm được năm 2021 là 284,1kTOE. Trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất với 122,4 kTOE. Tiếp sau là Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Gia Lai, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre...
Trong năm 2022, Văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, Chương trình VNEEP3 đặt ra những mục tiêu cụ thể như: giai đoạn 2019 - 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; giai đoạn 2025-2030 con số này là 8-10%. Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội, giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương còn nhiều khó khăn do sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ; nguồn vốn triển khai hoạt động tại các địa phương còn hạn chế. Theo đó, để thúc đẩy mạnh hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các địa phương, bên cạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách thì cần nâng cao năng lực công tác truyền thông cũng như có các giải pháp hỗ trợ đầu tư vốn cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham luận, chia sẻ các mô hình khác nhau nhằm thực hiện hiệu quả chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022 như: Phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn TP. Hà Nội; giải pháp tiết kiệm năng lượng và chiếu sáng tiện nghi; vai trò của việc đào tạo liên tục trong việc nâng cao chất lượng tư vấn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước trong hợp tác quốc tế thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực về tiết kiệm năng lượng...