Hợp lực làm điện mặt trời

Để khai thác nguồn năng lượng tái tạo vô tận tại Phú Yên, nhiều chủ đầu tư danh tiếng trên thế giới và Việt Nam đã hợp lực đầu tư, khai thác, tạo ra lợi nhuận, thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ.

Mặt bằng Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 đang được thi công gấp rút để hòa lưới điện quốc gia đúng kế hoạch.

Sôi động trên công trường

Từ Quốc lộ 1 rẽ về hướng Tây thị xã Sông Cầu (Phú Yên), đi qua đoạn đường đồi núi ngoằn ngoèo chừng hơn 10 km là tới khu vực dự án điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2.

Theo người dân nơi đây, tuyến đường này trước chỉ là đường mòn, đi lại vất vả, phải mất gần tiếng đồng hồ. Từ khi có dự án điện mặt trời, tuyến giao thông này được đầu tư mở rộng, nên người dân đi lại thuận lợi hơn, thời gian di chuyển giảm hơn một nửa.

Từ trên cao nhìn xuống, mặt bằng dự án Điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 nằm gọn trong lòng chảo. Khi ánh mặt trời chiếu rọi, cả lòng chảo bừng sáng như thắp lên hy vọng cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của thị xã Sông Cầu.

Trên công trường, máy móc, thiết bị rền vang, hàng trăm lao động đang tấp nập làm việc. Những mũi khoan sâu vào lòng đất như gieo vào đó những hy vọng về việc phát triển một loại hình kinh tế mới, khai thác năng lượng tái tạo tại vùng đồi núi heo hút với điều kiện canh tác nghèo nàn này.

Ngày khởi công xây dựng dự án, các đại biểu đã hết sức ngạc nhiên chứng kiến hai bên tuyến đường uốn lượn dẫn vào công trình đã xuất hiện dày đặc các trụ bê tông, cho thấy quyết tâm đưa dự án cán đích đúng tiến độ của chủ đầu tư.

“Tết này, toàn bộ công trường không nghỉ. Cán bộ, công nhân viên của chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu vẫn hăng say làm việc, quyết tâm hoàn thành dự án trước tiến độ đề ra”, đại diện chủ đầu tư chia sẻ.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 là sự gắn kết hợp tác giữa 4 đơn vị, trong đó Công ty cổ phần Quang điện Phú Khánh là Chủ đầu tư; Tập đoàn EPCO (Thái Lan) cung cấp tài chính, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Việt Hưng và Sinohydro Corporation Limited tham gia dự án với vai trò Tổng thầu thiết kế, mua sắm, xây dựng và lắp đặt (EPC) của dự án.

Theo ông Trần Minh Tiến,Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quang điện Phú Khánh: “Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 có tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 120 ha. Mỗi nhà máy có công suất thiết kế hơn 49,6 MW, sản lượng khoảng 76,2 triệu kWh/năm và sẽ đưa vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia tháng 6/2019”.

Hai đơn vị tổng thầu của dự án đều là những đơn vị có danh tiếng và uy tín trong ngành. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Việt Hưng là đơn vị chuyên thi công hạ tầng, đã hoàn thành xuất sắc các dự án trọng điểm trong tỉnh, như công trình hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kè Xuân Thành...

Còn tổng thầu EPC phần công nghệ và thiết bị của dự án là Sinohydro Corporation Limited, một đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng các công trình điện, có quy mô và uy tín thuộc Top 250 nhà thầu quốc tế theo đánh giá của Engineering News Record. Năm 2015, Sinohydro đã hoàn thành xuất sắc Dự án Thủy điện Sông Bung 4, được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận công trình chất lượng cao.

Bước khởi đầu cho năng lượng tái tạo Phú Yên

Việc đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 không những phù hợp với xu thế chung của thế giới, mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Phú Yên, miền Trung và cả nước.

Trước khi khởi công dự án, Công ty cổ phần Quang điện Phú Khánh đã hoàn tất bộ thủ tục đầu tư bằng việc ký kết mua bán điện của hai dự án với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). “Chúng tôi sẽ tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng và lắp đặt các dự án nhằm đảm bảo hoàn tất và đưa dự án vào phát điện thương mại đúng tiến độ là ngày 30/6/2019 mà nhà đầu tư đã cam kết với Phú Yên”, ông Trần Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quang điện Phú Khánh khẳng định.

Phú Yên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Nhiệt độ không khí trung bình biến đổi từ 26,5 độ C ở phía Đông và giảm dần về phía Tây, còn 26 độ C. Tổng số giờ nắng trung bình tại đây là 2.467 giờ, với lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt trên 1.700 kWh/m2.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 đánh dấu bước khởi đầu phát triển năng lượng tái tạo - một trong nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phú Yên cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư để Dự án sớm phát huy hiệu quả.


  • 11/02/2019 03:21
  • Nguồn: baodautu.vn
  • 1687