Trong nhiều năm liên tục, Việt Nam chúng ta đã đạt được sự phát triển cao về mọi mặt, đời sống nhân dân được nâng lên, song đồng hành với điều đó đã làm cho nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng nhiều, dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng, đặc biệt là điện ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là tại các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Theo đánh giá chung, chi phí cho năng lượng vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ sản xuất cá thể, do công nghệ lạc hậu và thiếu phương pháp quản lý năng lượng hiệu quả. Việc sử dụng lãng phí năng lượng cũng làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm.
Để giúp các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự án). Dự án được đồng tài trợ bởi Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). Dự án có thời gian thực hiện trong 5 năm, từ 2006 đến 2010 trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Hải Dương và Bắc Ninh .
Kết quả thực hiện dự án
Từ khi chính thức đi vào hoạt động (tháng 1/2006), dự án đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm triển khai các hoạt động, đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc quản lý và tổ chức thực hiện. Trong đó, nổi bật là đã làm giảm hơn 10 nghìn tấn khí thải nhà kính (CO2) và tiết kiệm được hơn 2.700 tấn dầu tương đương (TOE). Cụ thể là, đã thực hiện được 10 mô hình trình diễn về công nghệ và giải pháp TKNL cho 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc 5 ngành công nghiệp là dệt - nhuộm, chế biến thuỷ sản, sản xuất giấy và bột giấy, sản xuất gạch và sản xuất gốm sứ. Với các giải pháp đã và đang thực hiện của các mô hình trình diễn này, doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất giấy, chế biến hải sản và dệt nhuộm có thể tiết kiệm được từ 15% đến 25% chi phí cho năng lượng, trong khi các ngành sản xuất gạch và gốm sứ tiết kiệm được từ 20% đến 50% năng lượng tiêu thụ. Sau khi đầu tư từ 6 tháng đến 2 năm, doanh nghiệp sẽ thu hồi đủ vốn.
Bài học kinh nghiệm
Đạt được kết quả trên đây, trước hết đó là công tác tổ chức lập kế hoạch một cách khoa học và sát với thực tế, có sự tham gia ngay từ đầu của tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả người thực hiện và người hưởng lợi. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm: Xây dựng chính sách và thể chế, truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ tài chính và tổ chức nhân rộng. Bên cạnh đó, Dự án đã xác định rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng các mô hình trình diễn và đã tập trung thực hiện thành công nhiệm vụ này làm cơ sở và là bằng chứng để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tin và làm theo.
Để công tác truyền thông phát huy hiệu quả, dự án đã xây dựng chiến lược truyền thông làm cơ sở hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền trong các thời điểm khác nhau. Sau đó, trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tiến độ chung của dự án, công tác truyền thông cũng được điều chỉnh một cách linh hoạt và có trọng điểm để phù hợp với thực. Đồng thời, dự án đã tổ chức nhiều khoá đào tạo cho các tổ chức dịch vụ TKNL, các đối tác của dự án, các cán bộ quản lý và các bộ kỹ thuật của các DNNVV, cán bộ quản lý của địa phương… bằng nhiều hình thức khác nhau, như đào tạo lý thuyết, đào tạo tập trung và đào tạo tại chỗ...
Dự án đã đưa vào vận hành thực tế Chương trình bảo lãnh vốn vay kết hợp với huy động nguồn vốn vay từ Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, điều quan trọng là phải thường xuyên có sự trao đổi giữa BQL dự án và ngân hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cần có sự hướng dẫn chi tiết và cụ thể với DNNVV để họ hoàn thiện hồ sơ đáp ứng với yêu cầu của dự án và ngân hàng.