Nhà máy được hình thành từ việc nâng cấp và đổi mới công nghệ trên dây chuyền xử lý chất thải rắn cũ. Vì vậy, doanh nghiệp không xin thêm đất, không cần hỗ trợ vốn đầu tư.
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Ngô Như Hùng Việt - Giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, cam kết với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sẽ không để người dân than phiền về mùi hôi và ô nhiễm môi trường từ rác.
Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar có công suất 1.000 tấn mỗi ngày, rác thải sẽ được xử lý, tái chế rác thành phân bón và hạt nhựa. Theo đó, toàn bộ rác đã phân loại và không có khả năng tái chế sẽ được đốt để sản xuất điện, chứ không chôn lấp như trước đây.
Dự kiến sau khi hoàn thành năm 2021, mỗi ngày, Nhà máy sẽ xử lý 4.000 tấn rác để phát điện, 2.000 tấn rác tái chế thành phân và hạt nhựa. Cùng với Vietstar, hai nhà máy thuộc mô hình này sẽ góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh đạt mục tiêu giảm 50% chất thải rắn được chôn lấp.
Tại Lễ khởi công, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, các nhà máy xử lý rác tại TP. Hồ Chí Minh đã giúp thành phố xử lý hơn 20 triệu tấn rác bằng phương pháp chôn lấp, tái chế làm phân… Tuy nhiên, với mức độ đô thị hóa nhanh, hiện nay mỗi ngày thành phố thải ra 9.000 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm còn tăng thêm 10%.
Phương pháp chôn lấp tồn tại các khuyết điểm như gây mùi hôi, ô nhiễm, do đó thành phố đã chấp thuận chủ trương cho các đơn vị chuyển đổi công nghệ qua đốt rác phát điện. "Thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2020, tỉ lệ chôn lấp giảm còn 50%. Đến năm 2025 tỉ lệ này giảm còn 20%" - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.