An ninh năng lượng và phát triển ngành Năng lượng bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển. Dự báo, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc giai đoạn 2016-2020 là 10,6%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 8,5%/năm, giai đoạn 2026-2030 là 7,5%/năm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện. Để đáp ứng nhu cầu điện cao như vậy cần khoảng 60.000MW công suất nguồn điện vào năm 2020 và 130.000MW năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam. Bên cạnh các giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn điện, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là một giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh: Thành Trung. |
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhận thức được vai trò của giải pháp này, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội.
Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình đã giảm lần lượt 3,4 và 5,65% tổng năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015. Trung bình, cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hàng năm.
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lương, Bộ Công Thương, cho biết song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngày 7/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết một lần nữa khẳng định sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Link gốc