Lắp đặt, cải tạo thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện tại Nhà máy Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)
|
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng
Theo một công bố mới đây của Bộ Khoa học Công nghệ, ở nước ta, trong sản xuất công nghiệp (tiêu thụ chiếm hơn 50% số năng lượng phát ra), tỷ suất năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều không chỉ so với các nước tiên tiến, mà so cả với những nước trong khu vực. Để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, DN nước ta phải dùng nhiều hơn DN của Thái Lan hay Malaixia gấp 1,5 đến 1,7 lần năng lượng.
Theo điều tra tính toán của Bộ Công Thương, ở các ngành công nghiệp nặng (xi măng, sắt thép, hóa chất, sành sứ...), công nghiệp nhẹ (sản xuất hàng tiêu dùng), công nghiệp thực phẩm (đông lạnh, chế biến)... tiết kiệm năng lượng (TKNL) có thể lên tới trên 20%, các lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới trên 30%. Khu vực sinh hoạt và dịch vụ có tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ do tình hình lãng phí năng lượng đang rất phổ biến.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, việc sử dụng năng lượng không hiệu quả do nhiều nguyên nhân như: Công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu chuyển tải. Hệ thống thiết bị, máy móc của nhiều DN hiện nay tụt hậu so với thế giới (từ 15 – 20 năm) nên gây tổn thất rất lớn về năng lượng. Công tác quản lý việc sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp chưa được chú ý đúng mức.
Vượt qua rào cản
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, có nhiều rào cản đối với việc TKNL trong công nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là DN Việt Nam chỉ tập trung vào quản lý sản xuất mà chưa quan tâm đến hiệu quả năng lượng. DN Việt Nam do khả năng tài chính và cả nhận thức thường coi trọng chi phí ban đầu hơn là chi phí thường xuyên…
Cùng với việc Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ 1/1/2011, đầu tư cho lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả đang ngày càng được quan tâm lớn của Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, theo đại diện của Ngân hàng Công Thương Việt Nam, đầu tư tài chính cho lĩnh vực này cũng có nhiều rào cản. Thứ nhất, đầu tư cho lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả vẫn còn mới mẻ, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã ban hành nhưng vẫn thiếu nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn cho DN triển khai. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi đầu tư tài chính cho lĩnh vực này bởi nguồn vốn đầu tư là vốn trung dài hạn, chịu nhiều ảnh hưởng của biến động tỷ giá, lãi suất.
Ở nhiều nước đã thực hiện có hiệu quả việc TKNL, các DN có thiết bị hiệu suất cao được ưu đãi về thuế, được vay vốn với lãi suất thấp, được khấu trừ một số loại thuế… Những chính sách trên đã hỗ trợ DN ở nhiều nước chuyển đổi công nghệ TKNL. Nhưng ở nước ta, khung pháp chế và thể chế cho việc thúc đẩy TKNL và hiệu quả ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu. Trong khi chương trình mục tiêu quốc gia lại là chương trình dài hạn của Chính phủ.
Theo ông Phương Hoàng Kim, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ Công Thương), để thực hiện thành công các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần có những khung pháp lý rõ ràng minh bạch như là khuyến khích về thuế, tài trợ vốn… cho DN. Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm giúp khắc phục hạn chế của khung pháp lý hiện tại theo hướng nâng cao trách nhiệm của người sử dụng năng lượng, cung cấp khung chính sách cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.