Làng gốm Kim Lan: Tiết kiệm năng lượng nhờ đổi mới công nghệ

Nhờ chuyển đổi công nghệ nung gốm bằng than sang nung bằng gas, nhiều hộ dân ở làng gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã giảm hơn 80% lượng khí thải CO2 và tiết kiệm khoảng 70% năng lượng tiêu thụ...

Tiết kiệm 70% năng lượng tiêu thụ

Kim Lan có nghề sản xuất gốm, sứ truyền thống lâu đời. Trước đây, đa số các hộ dân sử dụng lò than nung gốm, gây ô nhiễm môi trường sống... Những năm gần đây, nhờ đổi mới công nghệ nung từ lò than truyền thống sang lò gas, đã góp phần tiết kiệm năng lượng (TKNL), giảm ô nhiễm môi trường sống và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Với công nghệ lò nung mới, sản phẩm gốm làm ra đẹp hơn, chất lượng tốt hơn - Ảnh sưu tầm.

Ông Đào Việt Bình - Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan cho biết, xã Kim Lan có gần 300 hộ làm nghề gốm. Đến nay, đã có khoảng 190 hộ (chiếm hơn 63%) chuyển đổi công nghệ từ lò than sang lò gas.

“Theo tính toán, sau khi  đổi mới công nghề nung, các hộ làm nghề  đã tiết kiệm được khoảng 70% năng lượng tiêu thụ và giảm hơn 80% lượng khí CO2 thải ra môi trường. Đặc biệt, công nghệ mới cũng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh: Trước đây, khi sử dụng than, chỉ có khoảng 80% sản phẩm đạt loại 1. Với việc  nung bằng gas, sản phẩm loại 1 đạt từ 95 - 97%...”, ông Bình cho biết.

Là một trong những người đã có nhiều năm gắn bó với nghề gốm sứ, anh Vũ Văn Hưng cho biết, gia đình anh sản xuất gốm sứ từ năm 1994, sử dụng lò đốt than. Công nghệ này đã lạc hậu, lao động rất nặng nhọc, chi phí cao và lợi nhuận thấp. Năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng” (Dự án LCEE), gia đình anh đã chuyển đổi sang lò nung gas. Nhờ đó, giảm được 89,9% khí CO2 và tiết kiệm được 77,98% năng lượng tiêu thụ.

“Không chỉ cải thiện môi trường sống, giảm chi phí nhiên liệu, lò nung bằng gas còn tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất và giá bán cũng cao hơn do sản phẩm làm ra đẹp hơn, hấp dẫn hơn, mang lại hiệu quả cao”, anh Hưng chia sẻ.

Cần lắm hỗ trợ vốn

Ngoài một số hộ được Dự án LCEE hỗ trợ tài chính, đa số các hộ làm gốm ở xã Kim Lan đã chuyển đổi công nghệ mới đều bằng vốn tự có hoặc vay ngân hàng. Tuy nhiên, do việc chuyển đổi công nghệ cần lượng vốn khá lớn cũng là một thách thức không nhỏ cho những người làm nghề thủ công ở Kim Lan..

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Kim Lan, đã từ rất lâu, mong muốn của chính quyền địa phương là mang lại cho người dân môi trường sống trong lành, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn bằng cách chuyển đổi công nghệ lò than sang lò gas. Tuy nhiên, do khả năng tài chính của nhiều hộ còn hạn chế nên vẫn còn nhiều hộ phải sử dụng lò đốt than.

“Thời gian tới, chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các dự án TKNL, giúp những hộ dân khó khăn có thể tiến hành đổi mới công nghệ sản xuất gốm sứ, không còn phải sử dụng lò than”, ông Hà cho biết thêm.

Được biết, Dự án LCEE do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp triển khai đang tiến hành bảo lãnh tín dụng và trả thưởng TKNL để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc 3 ngành: Gạch, gốm và chế biến thực phẩm đầu tư thực hiện các giải pháp TKNL. Đến nay, đã có 4 hộ dân ở xã Kim Lan được bảo lãnh tín dụng vay vốn, trong đó 2 hộ đã được trao thưởng hơn 300 triệu đồng. Đây là nguồn hỗ trợ rất hiệu quả, giúp  các hộ làm gốm ở xã Kim Lan tiếp cận, thay đổi công nghệ nung gốm.

Hội Gốm sứ Kim Lan cũng đang phát động phong trào chuyển đổi lò than sang lò gas bằng cách kêu gọi các hộ kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau. “Chúng tôi kêu gọi hộ trường vốn giúp hộ vốn ít, cùng nhau tiếp cận các ngân hàng để vay vốn, hỗ trợ nhau về mặt công nghệ, kỹ thuật...”, ông Bình cho biết thêm.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương):

Sử dụng công nghệ mới, TKNL không chỉ giúp đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng phát triển mà còn góp phần cải thiện môi trường làng nghề. Nhân rộng mô hình chuyển đổi sang lò gas là hướng đi đúng, giúp gốm Kim Lan tăng tính cạnh tranh và ngày càng củng cố chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 


  • 11/05/2016 03:01
  • Thùy Lê
  • 3984