Tái chế rác: Phế thải chưa phải là hết!

Với khả năng chịu lực hơn vài trăm kg, giấy tái chế có thể thay thế pallet gỗ dùng trong xuất khẩu, hay làm cánh cửa, tường cách âm, đồ nội thất,...

Giấy tái chế được cắt sợi, sau đó trộn với một số thành phần khác, rồi làm đông, rã đông và sấy khô. Các công đoạn không quá phức tạp trên đã được một nhóm sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM sáng tạo để tái chế giấy phế thải thành một vật liệu xốp, có khả năng hấp thụ khối lượng dầu gấp 17 lần trọng lượng của nó.

Sáng chế này đang được nghiên cứu thêm với kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nạn dầu loang, nguyên nhân gây chết hàng triệu sinh vật biển mỗi năm.

Ngành công nghiệp tái chế hiện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về những ứng dụng mà ngành công nghiệp tái chế có thể đem lại. Tuy nhiên, “tài nguyên rác thải” vẫn là một lĩnh vực chưa được khai phá nhiều tại Việt Nam.

Ở Mỹ, tái chế rác thải được xem là ngành công nghiệp phát triển, tạo việc làm cho hơn 460.000 người và đem về nguồn lợi nhuận bằng với mức mà tất cả các đội thi đấu thể thao chuyên nghiệp của nước này kiếm được.

Còn tại châu Á, ít ai biết rằng khu kinh tế sôi động Incheon, nơi có sân bay quốc tế nổi tiếng lại cũng chính là khu liên hợp xử lý rác thải lớn nhất Hàn Quốc.

Hay hòn đảo Odaiba ở Nhật lại là khu chứa rác khổng lồ, được cải tạo và trồng cây trở thành một hòn đảo nhân tạo xinh đẹp. Nói vậy để thấy, tại các quốc gia phát triển, ngành công nghiệp tái chế từ lâu đã song hành cùng nền kinh tế và trở thành một nhân tố của vòng tuần hoàn tài nguyên thiên nhiên.

Sôi động tái chế rác thải

Để đánh giá hiệu quả của công nghiệp tái chế, cần xét đến yếu tố đầu vào của ngành là chất thải rắn. Ở Việt Nam, lượng chất thải rắn tại các đô thị trong năm 2015 ước tính là 20 triệu tấn. Trong đó, đa phần là rác thải tồn đọng ở các bãi rác lộ thiên hoặc được chôn lấp không đúng cách, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và môi trường đất.

Ở tầm vĩ mô, nhiều chính sách của Nhà nước trong thời gian qua đang thể hiện sự tập trung trong xử lý rác thải. Bên cạnh mục tiêu đạt tỉ lệ sử dụng rác thải ở mức 85% vào năm 2020, hàng loạt chính sách được ban hành trong năm qua cũng đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp về ngành đầu tư này.

Ví dụ, Thủ tướng Chính phủ đã buộc các hãng sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi và xử lý sản phẩm điện tử thải bỏ. Hay chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng từ năm 2016, cũng đang khuyến khích nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến đầu tư cho môi trường, ngành nghề vốn được xem là có vốn đầu tư cao, lợi nhuận thấp.

Ngoài ra, có thể kể đến một số nhà máy tái chế rác thải quy mô lớn được hình thành trong thời gian qua. Điển hình như Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (Đà Nẵng), công trình xử lý chất thải rắn không chôn lấp đầu tiên của Việt Nam, đã đi vào hoạt động.

Dự án có công suất tái chế 200 tấn rác/ngày và xử lý từng loại rác theo quy trình khác nhau. Ny-lon được đưa vào dây chuyền nhiệt phân cracking để sản xuất dầu PO, RO và FO. Rác hữu cơ được nung yếm khí để sản xuất than sinh học và than biochar. Còn đất đá, chai lọ thủy tinh được xử lý nhiệt, sau đó nghiền nhỏ, thêm phụ gia để dùng xây dựng.

Còn tại TP.HCM, một dự án nằm trong diện xem xét đang được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện trong năm nay là kế hoạch đầu tư 520 triệu USD của Công ty Trisun Green Energy, xây dựng nhà máy xử lý chất thải theo công nghệ plasma.

Tuy còn nằm trên giấy, nhưng chủ đầu tư của dự án khẳng định rằng công suất của nhà máy có thể xử lý 2.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày để chuyển hóa thành điện và vật liệu xây dựng. Chủ đầu tư còn tự tin cam kết ký quỹ 5 triệu USD cho thành phố để đảm bảo dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ khi đi vào thực tế.

Sản phẩm tái chế có được thị trường đón nhận?

Có thể thấy, ngành công nghiệp tái chế đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thế nhưng liệu những nỗ lực này có được thị trường đón nhận? Câu trả lời là có, nhưng cần thêm thời gian.

Trong ngành bao bì, trước đây giấy tái chế chỉ dùng để sản xuất túi giấy hay thùng carton. Hiện nay, nhiều ứng dụng trong thương mại và kiến trúc đang được phát triển từ loại giấy tưởng chừng ít công dụng này.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gốm sứ tại TP.HCM cho biết, trước đây một đối tác Hà Lan từng yêu cầu bà phải đóng gói kiện hàng xuất khẩu mà không được dùng mút xốp hay ny-lon, nhưng lại phải đảm bảo hàng gốm sứ không vỡ khi thả từ độ cao hơn 1 m theo 6 chiều khác nhau.

Sau một thời gian tìm kiếm, các miếng pallet, nẹp góc được một số doanh nghiệp trong nước sản xuất theo công nghệ làm giấy tổ ong từ nguyên liệu tái chế đã đáp ứng được yêu cầu trên. Với khả năng chịu lực từ vài trăm kg đến hơn 1 tấn, giấy tái chế giờ đây có thể thay thế pallet gỗ dùng trong xuất khẩu, hay làm cánh cửa, tường cách âm, đồ nội thất trong thiết kế xây dựng với giá thành thấp, công năng tương đương.

Đánh giá về nhu cầu tiêu thụ, bà Lưu Vân Trang, Giám đốc Công ty Giấy Karta, cho biết mỗi ngày, doanh nghiệp này sản xuất hơn 14.000 m2 giấy làm từ nguyên liệu tái chế để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngành bao bì giấy những tưởng đã bão hòa, thế nhưng hướng phát triển mới này đang đem đến lợi nhuận khoảng 5-10% cho các nhà sản xuất và được dự báo sẽ phát triển bền vững trong tương lai.

Một lĩnh vực khác đang có đà tăng trưởng trong sử dụng sản phẩm làm từ nguyên liệu tái chế là vật liệu xây dựng. Một doanh nghiệp trong ngành cho biết, trung bình một nhà máy nhiệt điện than thải ra một lượng tro đủ sản xuất 1 tỉ viên gạch không nung trong 1 năm. Do đó, ngày càng nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng lên kế hoạch đặt nhà máy gần với các trung tâm nhiệt điện để tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế này.

Tuy không có sự tăng trưởng ồ ạt, nhưng những dấu hiệu chuyển biến tích cực ở cả đầu vào và đầu ra của ngành công nghiệp tái chế đang nhận được sự trông chờ và quan tâm từ các nhà đầu tư trong thời gian tới.


  • 23/03/2016 09:21
  • Theo:nhipcaudautu.vn
  • 2619