Mẹo dùng bàn là hơi nước

Là đồ dùng quen thuộc của nhiều gia đình, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng bàn là hơi nước sao cho hiệu quả. Thế giới Điện xin giới thiệu một vài mẹo nhỏ sử dụng bàn là hơi nước hiệu quả, tiết kiệm điện và có độ bền cao.

Chọn nước cho bàn là:

- Sử dụng nước lọc, vì nước giếng hay nước máy thường chứa tạp chất, cặn... dễ làm tắc lỗ phun hơi nước bàn là. Hơn thế, hơi nước phun ra có thể có màu ố vàng, bám bẩn quần áo, nhất là loại quần áo sáng màu.

Là đồ dùng quen thuộc của nhiều gia đình, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng bàn là hơi nước sao cho hiệu quả - Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

- Không pha thêm dầu thơm, chất tạo mùi vào nước sử dụng cho bàn là, vì hóa chất trong các dung dịch này khi gặp nhiệt độ cao có thể ăn mòn linh kiện bên trong bàn là.

- Khi cho nước vào bàn là, tránh để nước vượt mốc quy định (max), làm nước tràn ra ngoài, gây chập cháy; đồng thời cũng không để nước dưới mức min, không đủ để tạo hơi. Tốt nhất, đổ nước đạt mức ½ bình trước khi sử dụng.

Quá trình sử dụng:

- Nên sử dụng ổ cắm riêng, bởi bàn là hơi nước có công suất lớn, có thể làm nổ ổ cắm, ảnh hưởng đến các thiết bị điện khác.

- Sau khi cắm điện, chờ bàn là nóng lên trong 3 - 5 phút mới sử dụng nút bấm phun hơi nước. Vì lúc này, nước trong khoang chứa đã được làm nóng lên, nhiệt độ của hơi nước thoát ra cao hơn sẽ làm tăng hiệu quả là quần áo.

- Nên cài đặt nhiệt độ của bàn là thích hợp cho từng loại vải:

+ Vải tơ tằm, đũi: Nhiệt độ thấp; là mặt trái và đều tay;

+ Vải bông, lanh: Nhiệt độ cao; khi là phun nhiều hơi nước;

+ Vải dạ, kaki và các loại vải khác: Nhiệt độ trung bình hoặc cao.

- Trong quá trình là, nên ấn bàn là nhẹ tay với lực vừa phải, đẩy bàn là theo chiều nhất định chứ không nên là theo nhiều chiều; vừa đẩy bàn là vừa ấn nút phun hơi nước để hơi nước có thể trải đều khắp mặt vải.

- Khi đang chờ sử dụng, nên dựng bàn là lên.

- Bỏ nước còn thừa trong bình chứa sau mỗi lần là, tránh bị đóng cặn.

- Khi sử dụng xong, điều chỉnh núm nhiệt độ trên bàn là về số 0.

- Tuyệt đối không cắm điện khi không sử dụng và không dùng nước làm nguội bàn là.

“Mẹo” tiết kiệm điện:

- Không là áo quần vào những giờ cao điểm.

- Trước khi là quần áo, nên lau sạch bề mặt bàn là.

- Tập trung quần áo để là một lần, tận dụng sức nóng liên tục của bàn là.

- Phân loại quần áo trước khi là: Nên để chung các loại vải có cùng chất liệu hoặc chất liệu gần giống nhau để là cùng một lượt.

- Không nên tăng/giảm nhiệt độ của bàn là một cách đột ngột. Hãy chọn độ nóng cao nhất và là những loại quần áo dày trước; sau đó có thể giảm nhiệt độ, hoặc ngắt điện và tận dụng hơi nóng còn lại để là các quần áo mỏng như tơ tằm, lụa...

- Nếu không cần thiết, không nên là quần áo khi còn ướt, bởi sẽ tốn điện năng để làm khô quần áo.

- Không là quần áo trong phòng máy lạnh, vì nhiệt độ môi trường sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ của bàn là, dẫn đến điện năng tiêu thụ nhiều hơn.

* Cách xử lý bàn là bị gỉ:

- Làm nóng bàn là, sau đó là đi là lại nhiều lần trên mảnh vải ẩm để chùi gỉ sét.

- Chờ bàn là nguội, bôi một ít kem đánh răng, sau đó lau nhẹ bằng vải nhung hoặc vải thun sạch.

- Không nên dùng giấy nhám hoặc dao để cạo gỉ, sẽ làm mất đi lớp mạ ở mặt bàn là, ảnh hưởng đến tuổi thọ bàn là.

 


  • 12/07/2016 09:20
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 4102