Dự án điện gió ngoài khơi của Coastal Virginia Offshore có công suất 12MW. Nguồn ảnh: powermag.com.
|
Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi đầu tư quy mô lớn và định hình một ngành năng lượng vẫn chưa được khai phá. Đạt được mục tiêu này sẽ là chìa khóa mở ra lộ trình phát triển công suất 110GW vào năm 2050.
Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, mục tiêu này là bước đi cụ thể đầu tiên thực thi sắc lệnh ngày 27/1/2021 của chính quyền Mỹ về giải quyết khủng hoảng khí hậu ở Mỹ và nước ngoài.
Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, đến nay, chỉ có hai tuabin gió ngoài khơi của Coastal Virginia Offshore Wind (công suất 12MW) đang vận hành trong lãnh hải liên bang ở Virginia, Mỹ. Còn dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Mỹ ở ngoài khơi đảo Rhode có công suất 30 MW đang ngừng vận hành do gặp vấn đề về cáp ngầm và dự kiến khởi động lại vào tháng 5/2021.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, các dữ liệu kỹ thuật về tiềm năng tài nguyên cho thấy có thể đạt được công suất 2.000 GW ở các vùng lãnh hải bang, liên bang theo bờ biển của Hoa Kỳ và trong khu vực Ngũ đại hồ (Great Lakes).
Với tiềm năng to lớn đó, mục tiêu hiện nay được đặt ra cho năm 2030 là 30GW đã được chính quyền và các doanh nghiệp thống nhất. Giải pháp của chính quyền Mỹ chủ yếu chú trọng vào tạo việc làm, phát triển hạ tầng để củng cố chuỗi cung ứng nội địa và vào nghiên cứu và phát triển. Nhằm đạt được mục tiêu đó, mỗi năm sẽ cần vốn đầu tư khoảng 12 tỷ đô la Mỹ, tạo ra hàng chục ngàn việc làm có thu nhập tốt và dự kiến sẽ có hơn 44.000 nhân sự làm việc ở các dự án điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và khoảng 33.000 việc làm hỗ trợ.