Nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng ngành Giấy

Theo đánh giá của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, chi phí năng lượng trong sản xuất giấy và bột giấy chiếm 20 - 30% chi phí sản xuất, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Dây chuyền sản xuất giấy A4 tại Công ty Giấy Bãi Bằng

Ðể khắc phục tình trạng này, không ít các nhà máy giấy Việt Nam đã áp dụng một số giải pháp đem lại hiệu quả cao như: Cải tạo hệ thống đối lưu để tăng hiệu quả thu hồi bụi, tăng hiệu suất lò, tiết kiệm than, điện và từng bước nâng cao hiệu suất năng lượng không những đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường, hạn chế khí thải nhà kính.

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, mới đây Công ty Giấy Thiên Trí (Thành phố Hồ Chí Minh) đã lắp đặt Powerboss (phần mềm theo dõi tiêu hao năng lượng) cho máy thủy lực (75 kW), giúp tiết kiệm 10% điện năng tiêu thụ; lắp đặt biến tần cho động cơ bơm hút chân không, tiết kiệm 25% điện năng; sử dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng và tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng. 

Cùng với đó, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm trữ bột giấy, các máy nghiền sẽ hoạt động hết công suất để trữ bột giấy vào hầm trong giờ thấp điểm. Riêng trong giờ cao điểm sẽ dùng lượng bột dự trữ cung cấp cho máy xeo giấy; không vận hành máy nghiền vào giờ cao điểm giúp công ty giảm hàng tỷ đồng tiền điện/năm.

Đáng chú ý, nhà máy Giấy Xương Giang (Bắc Giang) cũng đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đem lại hiệu quả cao. Năm 2010, nhà máy đã thực hiện đo đếm mức tiêu thụ các khu vực theo từng tháng. Cùng với đó là những quá trình kiểm toán, đã giúp Công ty nhận dạng thêm nhiều cơ hội tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong quá trình vận hành, bao gồm: Lắp thiết bị Powerboss cho động cơ máy cắt cuộn và máy nghiền thủy lực; lắp biến tần cho hệ thống động cơ máy khuấy bể chứa; thay thế hệ thống bơm cấp nước ngưng hiện tại bằng hệ thống bơm nhiệt hiệu suất cao; lắp biến tần cho động cơ quạt hút lò hơi 4 tấn/giờ và lò hơi 6 tấn/giờ; bảo ôn đường ống dẫn hơi và đường ống phân phối hơi tại bộ phận máy xeo giấy; thay thế hệ thống lò hơi hiện tại bằng lò hơi 10 tấn/giờ. 

Do đặc thù của ngành sản xuất giấy là độ ô nhiễm cao, công ty đã chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải khu bể lắng lọc, sức chứa 1.500 m3 nước thải. Qua hệ thống này, nước được xử lý sạch trước khi đưa ra mương, hồ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Công tác an toàn lao động, vệ sinh được nhà máy thực hiện nghiêm túc, bảo đảm phát triển bền vững.

Để đồng bộ các giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thay thế dần các thiết bị cũ, kém hiệu quả; không vận hành trong tình trạng non tải; giảm thiểu mất nhiệt bằng cách bảo ôn đường ống; sử dụng lò đốt đa năng, tận dụng nhiệt của các chất rác thải công nghiệp; cải thiện chế độ công nghệ, quy trình vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu suất. 

Mặt khác, Hiệp hội cũng đưa ra các biện pháp giảm tiêu thụ điện như bố trí mặt bằng nhà xưởng hợp lý, giảm tối đa cự ly tải điện; tránh dùng các máy bơm, quạt quá lớn, chọn lựa thiết bị có hiệu suất cao, có nhiều chế độ làm việc; sử dụng hiệu quả hệ thống chiếu sáng, hệ thống nén; hạn chế chạy máy không tải; tắt các thiết bị khi không cần thiết; vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ lò hơi, hệ thống hơi, xử lý chống cáu cặn; sử dụng động cơ có công suất phù hợp cho từng thiết bị; xây dựng chế độ vận hành phù hợp nhằm giảm phụ tải giờ cao điểm; lắp đặt đồng hồ đo đếm cho các khu vực, áp dụng định mức tiêu thụ năng lượng cho các bộ phận sản xuất, tăng cường ý thức tiết kiệm và áp dụng chính sách thưởng phạt cho người lao động…


  • 27/11/2012 02:59
  • Theo Vietnam+
  • 3222


Gửi nhận xét