Ông Lê Quốc Thuận, Công ty Điện tử Philips Việt Nam cho biết, trước những tác động của biến đối khí hậu (BĐKH) và khí thải CO2, TKNL đang trở thành ưu tiên hàng đầu đối với mọi người. Hơn nữa các quy định, thể chế liên quan đến chiếu sáng trong công nghiệp đang đặt các DN trước áp lực cần phải chuyển đổi sang Công nghệ xanh.
TKNL còn mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, làm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái hướng đến sự phát triển bền vững chung của DN. Do đó, việc tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng cần phải được chú trọng và đầu tư thích đáng.
|
Việc lựa chọn các thiết bị, máy móc hợp lý để sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm - Ảnh: Internet. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Tý - Trưởng bộ phận dự án Công ty cổ phần Mặt Trời Bách Khoa miền Nam cũng cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng DN lựa chọn các thiết bị, máy móc sản xuất không hợp lý, hệ thống điều khiển lạc hậu. Điều này đã làm tổn hao rất nhiều năng lượng trong quá trình sản xuất. Mặt khác, nước ta đang có nguồn năng lượng mặt trời phong phú và ít biến đổi nhất trong thời kỳ BĐKH hiện nay. Theo thống kê, số giờ nắng cả năm ở nước ta có thể lên tới 2.600 giờ. Năng lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt đến 5 kWh/m²/ngày, nhưng đáng tiếc là hiện nguồn tài nguyên vô tận này chưa được tận thu và sử dụng đúng mức.
Nhu cầu năng lượng sơ cấp đến năm 2030 sẽ trên 250 triệu TOE, tăng gấp 5 lần so với năm 2010. Trong khi đó, nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu khí thì đang cạn kiệt nhanh chóng. Thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thập niên này. Dự kiến đến năm 2015 chúng ta sẽ phải nhập khẩu than cho điện, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá năng lượng thế giới.
Do đó, bên cạnh việc ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, tiến tới buộc các doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất và sử dụng trang thiết bị TKNL thì Việt Nam đang phấn đấu tăng nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng 5% tổng nhu cầu điện vào năm 2020. Đặc biệt, hiện Bộ Công Thương đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.