Hiệu quả từ những cách làm hay

Bố trí giờ sản xuất hợp lý; cải tiến dây chuyền sản xuất, thay thế các thiết bị lạc hậu tiêu thụ nhiều điện năng bằng các thiết bị tiên tiến; tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên… là những biện pháp nhiều doanh nghiệp tại Đăk Lăk đã áp dụng và bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận.

Một trong những đơn vị triển khai thực hiện quyết liệt, đạt hiệu quả cao trong việc tiết kiệm điện là Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Pôk (huyện Cư Mgar). Ông Cao Văn Tứ - Chủ tịch Công ty cho biết: “Tiết kiệm nói chung và tiết kiệm nói riêng là một trong những vấn đề luôn được Công ty quan tâm thực hiện. Để việc thực hiện tiết kiệm điện đạt hiệu quả, chúng tôi đã phải phối hợp cả hai biện pháp, kỹ thuật lẫn hành chính”.

Nhà máy đường 333 luôn khai thác tốt nhất nguồn điện tự sản xuất của đơn vị. Ảnh: Báo Đăk Lăk

Theo đó, Công ty đã tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc sử dụng điện để có những điều chỉnh cho phù hợp. Trên cơ sở yêu cầu của công việc và tình hình tiêu thụ điện của từng phòng, ban, đội sản xuất, Ban Giám đốc Công ty sẽ “khoán” sản lượng cho từng đơn vị. Vào ngày 15 hàng tháng, bộ phận phụ trách điện của Công ty sẽ tiến hành kiểm tra, chốt chỉ số tiêu thụ điện của từng đơn vị. Nếu đơn vị nào sử dụng điện quá mức cho phép mà không có lý do chính đáng thì phải tự bỏ tiền túi ra thanh toán tiền điện. Riêng xưởng chế biến cà phê, xưởng sản xuất phân vi sinh và trại chăn nuôi là những đơn vị sử dụng nhiều điện năng, Ban Giám đốc Công ty còn yêu cầu hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm (từ 9h30 đến 11h30 và từ 17h00 đến 20h00), chuyển sang sử dụng điện giờ thấp điểm (từ 22h00 đến 4h00 hôm sau).

Từ cách làm này, mỗi năm, Công ty đã tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ. Cụ thể, năm 2010, Công ty tiêu thụ khoảng 869.000 kWh điện, số tiền phải trả 950 triệu đồng; năm 2011 chỉ tiêu thụ hơn 618.000 kWh, số tiền phải trả khoảng 736 triệu đồng. Tính ra, năm 2011, Công ty đã tiết kiệm được trên 251.000 kWh điện, tương đương số tiền hơn 213 triệu đồng so với năm 2010. Hơn cả số tiền hàng trăm triệu đồng tiết kiệm hằng năm, việc áp dụng chế độ sản xuất vào giờ thấp điểm còn đem lại nhiều lợi ích khác, nhất là chất lượng điện vào thời gian này ổn định, góp phần đáng kể vào việc tránh quá tải cho lưới điện, kéo dài tuổi thọ của thiết bị.

Tại Công ty cổ phần Mía đường 333 (huyện Ea Kar), đơn vị đã tự sản xuất điện phục vụ cho công việc, luôn chú trọng đến công tác sử dụng điện tiết kiệm. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có một số sáng kiến, giải pháp kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm điện của cán bộ công nhân viên được áp dụng và mang lại nhiều lợi ích. Điển hình như giải pháp “Cải tạo một số sơ đồ khởi động động cơ điện không đồng bộ ba pha”, “Quản lý năng lượng, thực hiện việc nâng cấp, cải tiến hợp lý hóa dây chuyền công nghệ”, “Lắp đặt hệ thống cắt tải tự động để bảo vệ máy phát và dây chuyển sản xuất”. Chỉ tính riêng giải pháp “Cải tạo một số sơ đồ khởi động động cơ điện không đồng bộ ba pha” - thay đổi, cải tạo một số đầu nối, mạch điện khởi động cho động cơ để phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của nhà máy đường cũng đã tiết kiệm cho Công ty nhiều triệu đồng mỗi năm. Sau khi áp dụng giải pháp này, sơ đồ điện được cải tạo đơn giản, thuận tiện cho việc vận hành, dễ dàng kiểm tra và phát hiện hư hỏng để sửa chữa.


  • 28/05/2012 01:27
  • Theo Báo Đăk Lăk
  • 2697


Gửi nhận xét