Lợi ích triệu đô khi tận dụng nhiệt thừa

Tại nhà máy DAP Hải Phòng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam – Vinachem), nguồn nhiệt sinh ra từ công đoạn sản xuất Axit Sulfuric đã được tận dụng để sản xuất ra hơi nước cao áp cung cấp cho tuabin hơi của nhà máy nhiệt điện.

Nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình sản xuất phân bón DAP đã được tận dụng để biến thành điện năng

Năm 2011, mặc dù các xưởng công nghệ đang trong giai đoạn vận hành tăng dần công suất hệ thống, nhà máy đã sản xuất được 48,32 triệu kWh điện năng, trị giá 59,48 tỉ đồng, đảm bảo 90% lượng điện năng tiêu thụ.

Sau khi đi một vòng khuôn viên nhà máy rộng hơn 70 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ, Q.Hải An, TP.Hải Phòng, ông Vũ Văn Bằng, Phó Tổng giám đốc Công ty DAP VINACHEM dẫn chúng tôi đến Nhà máy nhiệt điện. Chỉ vào hệ thống lò hơi, ông Bằng giới thiệu: “Trong quá trình sản xuất phân bón DAP, khi thực hiện các phản ứng hóa học để sản xuất Axit Sulfuric sẽ sản sinh ra lượng nhiệt rất lớn, nên chúng tôi đã tận dụng nguồn nhiệt này để sản sinh ra hơi nước cao áp làm quay tua bin máy phát điện”.

Ông Lê Văn Tiền, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện đưa chúng tôi đến lò hơi đốt than gần đó: “Để đảm bảo cho nhà máy điện luôn vận hành ổn định, chúng tôi dùng 2/3 nhiệt năng từ quá trình phản ứng hóa học, 1/3 nhiệt năng còn lại được lấy từ lò hơi đốt than cám”.

Theo ông Vũ Văn Bằng, khi có nhà máy nhiệt điện đi kèm nhà máy chính, cái lợi không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn tăng tính chủ động của đơn vị sản xuất trong tình trạng nguồn điện lưới thường xuyên thiếu hụt vào các tháng mùa khô. “Vào dịp tháng 5, tháng 6, khi mùa mưa chưa về, thủy điện ít nước, ngành Điện phải tiết giảm điện, các nhà máy như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chính nhờ nguồn điện từ có nên chúng tôi có thể đảm bảo cho nhà máy không bị mất điện đột ngột, có thể hoàn tất mẻ sản phẩm, đảm bảo chất lượng phân DAP giao cho khách hàng”.

Nói về chi phí đầu tư, ông Bằng đưa ra bài toán: Nếu không xây nhà máy điện, Công ty có thể sẽ giảm được chi phí đầu tư khoảng 6 triệu USD. Nhưng ngược lại, nguồn nhiệt sẽ bị bỏ phí, thậm chí phải xử lý và mỗi năm sẽ phải mất thêm trên 60 tỉ đồng (gần 3 triệu USD) để mua điện. Do đó, chỉ cần hoạt động khoảng 3 năm, lượng điện sản xuất được sẽ đảm bảo thu hồi được vốn.

Hiện nay, đã có khả năng nhiều nhà máy sản xuất thép, xi măng, phân bón xây dựng nhà máy điện đi kèm để tận dụng nguồn năng lượng dư thừa trong quá trình sản xuất như nhà máy thép Hòa Phát, nhà máy xi măng Công Thanh, nhà máy phân bón DAP Hải Phòng… Việc xây dựng các nhà máy điện có thể làm tăng vốn đầu tư ban đầu nhưng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong suốt đời dự án.

“Nhưng trở ngại lớn là vốn đầu tư ban đầu sẽ bị tăng cao, khi bắt đầu đầu tư cũng là thời điểm doanh nghiệp cần vốn nhất. Do đó, Chính phủ và các bộ ngành nên có một chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện, năng lượng dư thừa từ nhà máy sẽ biến thành điện năng để quay lại phục vụ ngay quá trình sản xuất. Nếu có chính sách như vậy, các doanh nghiệp sẽ có thêm  nguồn lực để quyết tâm đầu tư, vừa mang lại lợi ích cho bản thân các doanh nghiệp, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng”, ông Vũ Văn Bằng, Phó tổng Giám đốc DAP Hải Phòng phân tích.


  • 07/05/2012 10:31
  • Theo Thanh niên
  • 3411


Gửi nhận xét