Năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng

Mạng lưới chính sách về năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21) vừa phát đi Báo cáo Hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu 2017 (GSR), trong đó ghi nhận công suất năng lượng tái tạo tăng với chi phí đầu tư giảm.

Theo Báo cáo Hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu 2017, trong năm 2016, năng lượng tái tạo tiếp tục lập kỷ lục với 161 GW được lắp đặt, tăng tổng công suất toàn cầu thêm gần 9% so với năm 2015, đưa tổng công suất lên gần 2.017 GW. Trong đó, năng lượng mặt trời (PV) chiếm khoảng 47%, điện gió 34% và thủy điện 15,5%.

Tại báo cáo trên, REN21 đưa bình luận: Năng lượng tái tạo đang trở thành sự lựa chọn ít tốn kém nhất. Các giao dịch gần đây tại Đan Mạch, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico, Peru và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cho thấy điện tái tạo đang được cung cấp với mức giá 0,05 USD/kWh hoặc thậm chí thấp hơn. Con số này thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân ở những quốc gia này.

Các đơn vị trúng thầu trong hai cuộc đấu giá gần đây cho dự án điện gió ngoài khơi ở Đức đã không cần sự hỗ trợ của chính phủ mà chỉ dựa vào giá bán buôn. Điều này cho thấy năng lượng tái tạo có thể trở thành sự lựa chọn ít tốn kém nhất.

Nhu cầu bắt buộc về "phụ tải nền" là một hiểu lầm. Hệ thống điện có thể tiếp nhận tỉ trọng lớn năng lượng tái tạo mà không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch và điện hạt nhân chạy “phụ tải nền”, dựa vào tính linh hoạt của hệ thống điện - thông qua liên kết lưới điện, liên kết ngành, các giải pháp công nghệ như ICT, bộ lưu trữ điện và máy bơm nhiệt. Điều này không chỉ giúp cân bằng biến đổi trong khâu phát điện mà còn tối ưu hóa hệ thống và giảm chi phí phát điện.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi số lượng các quốc gia thành công trong quản lý phụ tải đỉnh hoặc vượt qua mục tiêu 100% điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng lên. Trong năm 2016, Đan Mạch và Đức đã thành công trong việc quản lý phụ tải đỉnh của năng lượng tái tạo ở mức lần lượt là 140% và 86,3%.

Phát thải CO2 toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp vẫn không có gì thay đổi trong năm thứ ba liên tiếp, trong khi đó nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 3% và nhu cầu năng lượng vẫn tăng. Điều này chủ yếu là do giảm than đồng thời tăng sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng điện…

Chủ tịch của REN21 Arthouros Zervos cho biết: Công suất lắp đặt mới của năng lượng tái tạo trên thế giới lớn hơn công suất lắp đặt mới từ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch cộng lại. Một trong những phát hiện quan trọng nhất của GSR năm nay là cách tiếp cận toàn diện và hệ thống là điểm mấu chốt và nên đưa thành quy tắc thay vì chỉ coi là ngoại lệ. Khi tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng lên, chúng ta cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như một bộ công cụ toàn diện gồm: mạng lưới truyền tải và phân phối tích hợp - liên kết, các biện pháp cân bằng cung - cầu, liên kết ngành (ví dụ như liên kết mạng lưới điện và mạng lưới giao thông) và áp dụng các giải pháp công nghệ.

Tuy nhiên, Chủ tịch của REN21 Arthouros Zervos cũng cho rằng, tốc độ chuyển dịch năng lượng chưa đủ nhanh để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris.

Cũng theo Chủ tịch của REN21 Arthouros Zervos, mặc dù đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch, nhưng so với năm 2015 thì vốn đầu tư cho lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo mới giảm 23%. Ở các quốc gia có thị trường mới nổi hoặc đang phát triển, đầu tư cho năng lượng tái tạo giảm 30% xuống còn 116,6 tỉ USD, trong khi đó các nước phát triển giảm 14% xuống còn 125 tỉ USD.

Các ngành vận tải, sưởi ấm và làm lạnh tiếp tục đi sau ngành điện. Việc áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo trong lĩnh vực sưởi ấm và làm lạnh vẫn là một thách thức bởi tính chất đặc trưng và phân tán của thị trường này. Giảm phát thải cacbon dựa vào sử dụng năng lượng tái tạo đối với ngành vận tải vẫn chưa được xem xét nghiêm túc, hay được ưu tiên. Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể các loại xe điện, chủ yếu là do chi phí pin giảm, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo cung cấp đủ cơ sở hạ tầng sử dụng điện từ năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ngành hàng hải và hàng không rõ ràng là thách thức lớn nhất, tuy nhiên những chính sách và can thiệp thương mại của các chính phủ chưa đủ để đưa ra các giải pháp.

“Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch tiếp tục cản trở tiến độ. Trên toàn cầu, trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch và điện hạt nhân tiếp tục vượt xa so với năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2016, hơn 50 quốc gia đã cam kết chấm dứt trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch và tiến hành cải cách, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Năm 2014, tỉ lệ trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch so với năng lượng tái tạo là 4:1. Cứ 1 USD chi cho năng lượng tái tạo thì các chính phủ lại dành 4 USD để duy trì sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch” - Chủ tịch của REN21 Arthouros Zervos nhấn mạnh.


  • 08/06/2017 01:40
  • Theo petrotimes.vn
  • 1656