Người tạo ra bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời

Ở phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, không ít người biết ông Ngô Quốc Tuấn - thợ sửa đồ điện đã nghiên cứu, chế tạo ra bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Dưới đây là trao đổi của Phóng viên TGĐ với ông Tuấn về ý tưởng hình thành bể nước nóng này.

Thưa ông, từ đâu ông có ý tưởng chế tạo bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời?

Ông Ngô Quốc Tuấn: Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi điện vừa thiếu, vừa yếu, muốn có nồi nước nóng phải đun bằng rác, hoặc củi. Vào mùa đông, nhu cầu sử dụng nước nóng phục vụ sinh hoạt là rất lớn. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu tìm cách thử chế tạo bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời.

Bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên của ông đã ra đời như thế nào, thưa ông?

Ông Ngô Quốc Tuấn: Lúc đầu tôi nghĩ khá đơn giản: Chỉ cần xây 1 lượt gạch nghiêng, dùng xi măng đánh bóng và đậy 1 tấm kính lên trên mặt bể. Lúc đó, nước chứa trong bể sẽ dần dần nóng lên và có thể sử dụng được, nhưng nhược điểm là không giữ được nhiệt lâu.

Vậy ông đã làm thế nào để khắc phục nhược điểm này?

Ông Ngô Quốc Tuấn: Nếu nói để khắc phục ở thời điểm đó là rất khó, vì giá một tấm kính khá là đắt và không có vật liệu hấp thụ nhiệt tốt như hiện nay, chẳng hạn như kính đen, xốp cách nhiệt… Sau rất nhiều lần cải tiến, thay đổi các loại vật liệu cách nhiệt và hấp thụ nhiệt, tôi mới có được những loại vật liệu cần thiết, làm ra bể nước nóng năng lượng mặt trời và tôi tạm hài lòng với chiếc bể này.

Ông Tuấn giới thiệu sản phẩm tự chế

Đã qua khoảng 20 năm, kể từ khi xây chiếc bể đầu tiên, đến nay, bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời đã được ông cải tiến như thế nào ?

Ông Ngô Quốc Tuấn: Chiếc bể hiện tại của gia đình tôi được thiết kế: Đáy và thành bể đều là lớp kính đen dày 1cm dùng để hấp thụ nhiệt. Phía trên bể nước là 2 lớp kính trắng 5 ly, đặt cách nhau 4-5cm, tạo thành lớp đệm không khí giữ nhiệt, thành bể đều có xốp cách nhiệt. Thiết kế này được thực hiện theo nguyên tắc, diện tích tấm kính trên bề mặt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng lớn thì lượng nhiệt hấp thụ càng nhiều.

Do vậy, dù diện tích bể khoảng 2m2, nhưng thành bể lại chỉ cao 20cm và sức chứa là 300 lít. Về ưu điểm, đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường, không sử dụng điện. Nhiệt độ nước nóng nằm trong khoảng từ 30 – 50 độ, thậm chí mùa hè có thể cao hơn.Về mặt kinh tế, bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời rất phù hợp với các khách sạn, nhà hàng kinh doanh dịch vụ, nhà hàng có sử dụng đun nấu nhiều.

Chiếc bể này còn nhược điểm gì mà ông chưa hài lòng?

Ông Ngô Quốc Tuấn: Bể nước này cũng còn nhiều nhược điểm cần khắc phục. Mùa hè nắng nóng và nhiều ánh sáng, rất thuận lợi cho bể hoạt động, nhưng nhu cầu sử dụng nước nóng, đặc biệt trong sinh hoạt lại không cao. Tiếp đó, nếu không lưu ý căn chỉnh lượng nước, nếu để bể cạn, chỉ trong khoảng 2 giờ, mặt kính trên bể sẽ bị vỡ vụn. Vào mùa đông, nhiều lúc bể không có đủ nước nóng phục vụ nhu cầu của gia đình.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 08/11/2017 03:37
  • Nguồn: TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 6486