Nhật Bản sẽ hỗ trợ các quốc gia ASEAN 10 tỷ USD để giảm phát thải carbon

Nhật Bản đang chuẩn bị đưa ra sáng kiến mới nhằm giúp các quốc gia thành viên ASEAN trong đó có Việt Nam cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đạt mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Theo nguồn tin Chính phủ Nhật Bản, Tokyo sẽ đi đầu trong việc biên soạn lộ trình cắt giảm carbon, thiết lập cơ sở đầu tư và cho vay công và tư có trị giá lên đến 10 tỷ USD. Đồng thời, quốc gia này cũng sẽ tập trung khuyến khích mạnh mẽ hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo và các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách đóng góp nỗ lực trong việc giảm thiểu khí thải carbon toàn cầu, cũng như duy trì tăng trưởng đối với các nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) hiện đang thu xếp nhằm đạt được thoả thuận về sáng kiến mới với các quốc gia ASEAN, thông qua việc tổ chức cuộc họp giữa các bộ trưởng kinh tế và năng lượng Nhật Bản và ASEAN vào tháng 6 tới đây.

Các quốc gia phát triển bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, cũng như các nước khu vực châu Âu đã tuyên bố cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Nhật Bản đang nỗ lực kêu gọi các nước thành viên ASEAN đưa ra lộ trình để đạt được mục tiêu trung hoà carbon.

Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), trụ sở tại Jakarta, đã phân tích mỗi quốc gia ASEAN phải nỗ lực để có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào các năm 2050, 2060, 2070 và 2080.

Dựa trên kết quả phân tích của viện này, Nhật Bản sẽ giúp các quốc gia ASEAN để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Cụ thể, Nhật Bản sẽ đầu tư và cho vay 10 tỷ USD thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), các ngân hàng lớn của Nhật Bản và nhiều ngân hàng khác.

Đặc biệt, số tiền sẽ được sử dụng cho mục đích tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi từ than đá sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng sạch hơn để sản xuất nhiệt điện. Quỹ này cũng sẽ được sử dụng để khuyến khích sản xuất nhiệt điện nhằm giảm lượng khí thải CO2 bằng cách trộn than với amoniac. Các nhà máy điện than thải ra lượng CO2 nhiều gấp đôi so với các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên.

Nhật Bản cũng sẽ tìm cách thương mại hóa công nghệ mới để chôn lấp CO2 dưới lòng đất bằng cách chuyển giao công nghệ. Quốc gia này cũng lên kế hoạch hỗ trợ các nước ASEAN đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ khử carbon.

Hiện các quốc gia phát triển đang rất tích cực để hướng tới trung hoà carbon. Tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn như ngừng sử dụng điện than có thể ảnh hưởng lớn tới tốc độ phát triển kinh tế của các nền kinh tế mới nổi. Đặc biệt tại Đông Nam Á, nhu cầu về năng lượng ở các nước ngày càng tăng, với khoảng 80% sản lượng điện đến từ nhiên liệu hoá thạch như than.

Kế hoạch của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy một cách tiếp cận mới, dần dần để sử dụng carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và giúp các quốc gia ASEAN duy trì tăng trưởng kinh tế.

Một số quốc gia Đông Nam Á đã đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió ngoài khơi có thể kể đến như Việt Nam, Thái Lan, Philippines...

Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2021, các nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo đều cao hơn so với kế hoạch. Trong khi đó, huy động từ nhiệt điện than, khí và nhập khẩu từ Lào tiếp tục giảm.

Link gốc


  • 31/05/2021 03:33
  • Nguồn: https://congthuong.vn/
  • 2852