Theo tờ IFL Science, Công ty Glowee đang lên kế hoạch sử dụng các loại vi khuẩn phát quang để chế tạo ra một loại bóng đèn sinh học. Sau đó, sử dụng loại bóng đèn này để lắp đặt ở phía trước các cửa hàng, khu phố, các nơi công cộng nhằm mục đích thắp sáng cho khắp các nẻo đường ở Thủ đô Paris.
Thủ đô Paris có thể được thắp sáng dưới các bóng đèn làm bằng vi khuẩn phát quang.
|
Được biết, để làm được loại bóng đèn sinh học trên, người ta chế tạo một vật thể trong suốt, rồi cho vào đó khí oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu dạng gel để tạo môi trường sống cho vi khuẩn phát quang. Đáng chú ý, các loại vi khuẩn phát quang này không hề gây bệnh hoặc độc hại cho con người.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn đang gặp phải một số hạn chế nhất định. Điển hình như, loại bóng đèn này chỉ tạo ra ánh sáng trong 3 ngày, bởi nó phụ thuộc phần lớn vào tuổi thọ của các loại vi khuẩn phát quang.
Mặc dù Công ty Glowee đang nghiên cứu để gia tăng tuổi thọ cho loại bóng đèn sinh học kể trên, song việc này cũng dẫn đến chi phí và phương tiện sản xuất tăng cao. Điều này khiến dự án này khó có thể cạnh tranh với các công nghệ phát sáng tiêu tốn năng lượng khác.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, nếu dự án này được triển khai và đạt thành công một cách toàn diện, nó sẽ giúp các thành phố tiết kiệm được rất nhiều điện năng trong việc phát sáng. Đồng thời, việc sử dụng vi khuẩn phát quang để tạo ra ánh sáng sẽ giúp một trường được xanh, sạch hơn, bởi chúng tạo ra khí CO2 ít hơn đáng kể so với các phương tiện phát sáng thông thường.