Đối mặt nhiều khó khăn
Theo Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương), định hướng và mục tiêu phát triển các nguồn điện từ NLTT, trong đó có điện mặt trời và điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại nhiều văn bản.
Cụ thể, theo Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 và Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện gió, mặt trời các năm trong giai đoạn từ 2018 - 2020 chiếm tỷ lệ lần lượt khoảng 0,42%; 0,53% và 1,1% so với sản lượng điện toàn hệ thống. Đồng thời, theo quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, giá điện gió, mặt trời lần lượt bằng 109,4% và 131,1% giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện từ NLTT như mặt trời, điện gió… hiện đang gặp một số khó khăn, thách thức lớn như chưa đủ khả năng để thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn)… do các vấn đề về kỹ thuật. Các nguồn điện NLTT có đặc điểm là phân tán và vận hành không liên tục, kém linh hoạt trong hệ thống điện, do đó cần phải lắp đặt kết hợp với các bộ hệ thống lưu giữ điện năng để cung cấp cho phụ tải điện, chi phí đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, năng lực lưới điện hiện hữu và lưới điện phát triển theo quy hoạch điện lực chưa tính đến hết sự thâm nhập lớn của các nguồn điện tái tạo này nên không đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng điện phát của các nguồn điện NLTT trong tương lai, gây quá tải lưới điện cục bộ, tổn thất điện năng và ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải điện địa phương. Hơn nữa, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên như hiện nay, ngành điện sẽ phải bù giá bán lẻ điện khi huy động các nguồn điện gió, mặt trời cho năm 2018 khoảng 1.630 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 2.300 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 5.550 tỷ đồng.
Cần kế hoạch đầu tư hợp lý
Cũng theo Cục Điện lực và NLTT, để đảm bảo phát triển tốt và bền vững các nguồn NLTT, cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp. Trước tiên, phải có quy hoạch phát triển và kế hoạch đầu tư hợp lý, đồng bộ giữa nguồn và lưới điện; có sự tính toán, cân nhắc kỹ các phương án đấu nối, giải pháp kỹ thuật, vận hành để đảm bảo lưới điện, hệ thống điện có thể hấp thụ được toàn bộ điện năng phát ra từ các nguồn năng lượng mặt trời và gió; đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn vận hành trong hệ thống điện theo quy định hiện hành.
Đồng thời, khuyến khích khách hàng sử dụng điện, đơn vị quản lý vận hành lắp đặt các hệ thống lưu giữ điện năng, đặc biệt đối với các nguồn điện mặt trời lắp mái. Áp dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến để hạn chế và kiểm soát được những tác động, ảnh hưởng không tích cực từ các nguồn điện này. Mặt khác, đảm bảo duy trì tỷ lệ dự phòng hợp lý các nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) có khả năng điều khiển, huy động kịp thời và kết hợp với việc áp dụng, trang bị công nghệ tự động điều khiển các tổ máy, cho phép điều chỉnh nhanh các tổ máy phát điện truyền thống. Triển khai một số chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện để tối ưu hóa phát triển các nguồn điện mặt trời lắp mái.
Ở Việt Nam hiện nay, các dự án nguồn điện NLTT, đặc biệt là điện mặt trời nối lưới đang được phát triển tập trung tại một số địa phương có tiềm năng lớn như khu vực miền Trung, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên với quy mô lớn và tiến độ xây dựng, đi vào vận hành nhanh. |