Giảm hiệu ứng nhà kính nhờ điện mặt trời

Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện mặt trời lắp trên mái nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai dự án điện mặt trời nối lưới cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và một số công trình xây dựng ở trung tâm thành phố, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao về tính hiệu quả và lợi ích.

Tiềm năng phát triển lớn

Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ thế giới. Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3 - 5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ hệ số chuyển đổi năng lượng (TOE). Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác được khoảng 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, nâng lên 4.000 MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000 MW vào năm 2030.

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh lắp đặt hệ thống đo đếm lượng điện mặt trời phát ra.

Tại TP Hồ Chí Minh, tiềm năng để phát triển điện mặt trời cũng rất lớn. Cường độ bức xạ trung bình ở TP Hồ Chí Minh khoảng 5kWh/m2/ngày và số ngày nắng trung bình 300 ngày/năm. Các chuyên gia cho biết, kỷ nguyên thông tin thông minh làm tăng đột biến nhu cầu sử dụng điện năng nên việc phát triển điện năng bằng năng lượng mặt trời được kỳ vọng sẽ giảm bớt sức ép về môi trường và tiêu thụ năng lượng. Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện mặt trời lắp trên mái nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai dự án điện mặt trời nối lưới cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và một số công trình xây dựng ở trung tâm thành phố, được người dân và các chủ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ - Diệp Bảo Cánh, với mỗi mái nhà có diện tích khoảng 50 - 60m2 có thể lắp đặt các tấm pin mặt trời công suất 3 - 4kWp. Với công suất 3kWp, điện mặt trời sẽ cho ra sản lượng điện 360kWh/tháng. Giá lắp đặt trọn bộ công suất 3kWp khoảng 70 triệu đồng, ước tính mỗi gia đình tiết kiệm được 1,2 - 1,4 triệu đồng/tháng và chỉ sau 5 năm có thể thu hồi vốn, tuổi thọ tấm panel điện mặt trời lên tới 25 năm. Cũng theo ông Cánh, nếu trước đây, điện mặt trời được xem là nguồn năng lượng xa xỉ thì hiện nay với sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, nhiều gia đình, doanh nghiệp đã có thể sử dụng với chi phí thấp hơn nhưng đem lại hiệu quả cao. Trên thực tế, điện mặt trời lắp mái hòa mạng đã được triển khai và chứng minh được tính hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích

Ông Diệp Bảo Cánh cho biết, ưu điểm của hệ thống điện mặt trời là cấu trúc rất đơn giản, chi phí đầu tư và kiểm tra bảo dưỡng thấp, độ bền cao; giảm lượng điện năng tiêu thụ từ lưới vào ban ngày và có nguồn thu từ việc bán điện dư lên lưới; giảm được gánh nặng cho lưới điện quốc gia vào mùa khô và giờ cao điểm. Đồng thời, điện lắp mái dễ dàng đầu tư, lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng; không tốn diện tích đất mà còn giúp ngôi nhà mát hơn vào mùa hè.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, ngành Điện giảm được gánh nặng tài chính để đầu tư xây dựng thêm nguồn điện, địa phương không lo quy hoạch đất cho năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng sạch như điện mặt trời sẽ giảm nhiều khí thải nhà kính ra môi trường, hạn chế sự nóng lên của Trái đất, gây biến đổi khí hậu.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; trong đó quy định cụ thể về thuế, giá bán điện mặt trời. Mức giá được ban hành hiện nay là 9,35 cent/kWh, nếu so với thế giới, được xếp vào loại trung bình. Tuy nhiên, đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Để nâng cao hơn nữa công suất lắp điện mặt trời, các chuyên gia cũng kiến nghị, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như các chủ doanh nghiệp về những lợi ích có được từ việc đầu tư điện mặt trời. Đặc biệt, vận động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại tòa nhà của đơn vị.

 


  • 28/06/2018 10:05
  • Nguồn: daibieunhandan.vn
  • 3276