Việt Nam được xem là nước có năng lượng gió giàu tiềm năng, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Các vùng ven bờ Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu) với tốc độ gió đạt khoảng 10m/s, và mật độ năng lượng gió đạt ngang tầm các khu vực có mật độ cao nhất thế giới (với hơn 1.000W/m2), các khu vực có tốc độ gió trung bình rất phổ biển ở Việt Nam, chứng tỏ tiềm năng khai thác điện gió là rất tốt trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam tại tầng 100m.
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800 MW và đến năm 2030 đạt 6.000 MW.
Tuy nhiên, tính đến hết 2017, tổng công suất nguồn điện gió nối lưới của Việt Nam là 197 MW tại Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Các trang trại gió đi vào hoạt động là Tuy Phong, Phú Quý (Bình Thuận), Bạc Liêu, Phú Lạc (Bình Thuận), Hướng Linh (Quảng Trị), Đầm Nại (Ninh Thuận), Trường Sa. Lớn nhất là trang trại gió Bạc Liêu (giai đoạn 1 và 2). Điều này cho thấy, việc phát triển các nguồn điện gió đang triển khai rất chậm. Con số 197 MW được đưa vào vận hành còn quá xa so với mục tiêu đề ra.
Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam rất lớn. Trước biến đổi khí hậu toàn cầu, đảm bảo môi trường, giảm nhập khẩu năng lượng hóa thạch, tăng sử dụng điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trên 10% vào năm 2030, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển hiện còn chậm.
Ảnh minh họa
|
Các chuyên gia cũng chỉ rõ nguyên nhân chậm phát triển nguồn năng lượng điện gió là do giá thấp, nên không có hiệu quả về tài chính. Các công ty điện gió của Việt Nam chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ và thi công các trang trại điện gió, kỹ thuật và chính sách nối điện lưới, điện áp còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, các dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do còn nhiều rào cản cùng nhiều khó khăn như quá trình sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng… Đặc biệt, hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Đã đến lúc cần có một ý tưởng mới, một dự án khởi nghiệp quốc gia phát triển đột phá nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu điện phát triển kinh tế - xã hội, và ý tưởng đột phá này phải dựa vào nguồn lực từ cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân để thực hiện.