Xây dựng công trình hướng tới tiết kiệm năng lượng

Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia và các tổ chức, công trình - tòa nhà hiện đại nếu thực hiện đổi mới công nghệ, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường ngay từ khi xây dựng thì về lâu dài, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho cả chủ đầu tư và xã hội.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành Xây dựng đạt 12 - 16%/năm và tiêu thụ khoảng 20 - 24% tổng năng lượng quốc gia. Hiện nay, rất nhiều thiết bị điều hòa không khí đang sử dụng có công nghệ cũ, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng. Không những vậy, tại nhiều dự án, hệ thống kỹ thuật chưa được bảo trì đúng cách, dẫn tới tổn hao nhiệt năng lớn.

Theo một số nghiên cứu, công trình - tòa nhà là đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Trong đó, tính cả năng lượng để chế tạo vật liệu xây dựng, vận chuyển đến nơi xây dựng và lắp đặt, thì tổng năng lượng tiêu thụ lên đến 48% tổng năng lượng quốc gia. Trong khi đó, tuổi thọ các công trình xây dựng chỉ 50 - 100 năm.

Trong công trình - tòa nhà, hệ thống điều hòa không khí tiêu thụ đến 40% năng lượng; tiếp đến là chiếu sáng 15% - 20%; hệ thống thang máy 5% - 10%; hệ thống nước nóng 5% - 10% và các thiết bị văn phòng tiêu thụ 10% - 15% năng lượng. Do đó, các công trình - tòa nhà nếu thực hiện đổi mới công nghệ, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường ngay từ khi xây dựng thì về lâu dài sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho cả chủ đầu tư và xã hội.

Xu hướng của ngành Xây dựng hướng tới công trình xanh để tiết kiệm năng lượng

Những hệ thống có thể ứng dụng, đổi mới trong công trình bao gồm vỏ bọc công trình, chiếu sáng, điều hòa không khí, hệ thống nước nóng. Theo tính toán, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà có thể lên tới 30 - 40%.

Do đó, vài năm trở lại đây, xu hướng đầu tư phát triển bất động sản theo hướng thân thiện với môi trường và lựa chọn các giải pháp “xanh” cho công trình giúp các chủ đầu tư giảm chi phí đáng kể trong việc sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm phát hiệu ứng nhà kính cho cộng đồng. Song, để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách vĩ mô thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, vật liệu xanh đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các dự án xanh.

Đáng chú ý, trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như tăng tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 32,3% vào năm 2030 và khoảng 44% vào năm 2050; tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT tăng 32% vào năm 2030 và lên 42% vào năm 2050. Song song đó, Chính phủ cũng đạt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường khoảng 22% vào năm 2030 và 45% vào năm 2050.

Có thể nói, đây là giải pháp công nghệ quan trọng giúp các thành phố giải quyết các thách thức về môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng, hướng tới đô thị thông minh, bao gồm các yếu tố xây dựng các công trình xanh, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tiết kiệm.


  • 15/06/2018 03:30
  • Nguồn: reatimes.vn
  • 1375