Phát triển điện mặt trời lắp mái: Rất tốt, nhưng rất tiếc…

Mặc dù đã có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, nhưng tiếc rằng, vẫn đang còn nhiều rào cản.

Theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017, các dự án điện mặt trời lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án này lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho điện mặt trời lắp mái

TP. HCM là một trong những địa phương đi đầu về phát triển điện mặt trời lắp mái. Tính đến nay, đã có 284 khách hàng điện mặt trời lắp mái nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho EVNHCMC với tổng công suất là 3.64 kWp. Để hỗ trợ khách hàng, EVNHCMC đã chủ động triển khai kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt điện kế 2 chiều, ghi chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát ngược lên lưới cho khách hàng... Nhưng đến nay, EVNHCMC vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và phát hành hóa đơn cho khách hàng theo quy định của Bộ Tài chính.  

Theo ông Đỗ Đức Tưởng - Chuyên gia về năng lượng tái tạo, cần sớm có Thông tư từ Bộ Tài chính, hoặc Thông tư liên ngành Tài chính - Công Thương hướng dẫn cụ thể phương thức bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và hóa đơn trong hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các hộ dân. Còn theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc phát động toàn dân phát triển điện mặt trời trên mái nhà, trên ao hồ, sườn đồi, trên các tòa nhà… là cần thiết trong bối cảnh hiện nay của nước ta. Do vậy, các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ mọi vướng mắc cho điện mặt trời  lắp mái nối lưới. 

Nếu tháo gỡ được các vướng mắc, điện mặt trời lắp mái sẽ phát triển rất nhanh. Với hàng chục triệu hộ gia đình trên đất nước Việt Nam, chỉ cần mỗi hộ phát lên lưới vài kWh, sẽ có con số tổng sản lượng rất lớn; góp phần giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện, nhất là khi các nguồn nhiên liệu truyền thống phục vụ sản xuất điện đang ngày càng cạn kiệt. 


  • 17/06/2018 02:48
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 2090