Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Đây là Hội thảo khoa học do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận tổ chức ngày 28/8 tại Bình Thuận.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh: Quang Tuấn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề xoay quanh thực trạng và lợi ích đa chiều của việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay; tiềm năng, cơ hội và những thách thức trong việc phát triển nguồn năng lượng này…

Phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng sạch, nhất là năng lượng gió và mặt trời, thay thế nguồn năng lượng hóa thạch rất quan trọng và cần thiết. Phát triển "năng lượng xanh" là xu thế phát triển tất yếu của Việt Nam và cả thế giới.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, phát triển điện gió, điện mặt trời tại tỉnh đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 20 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, đầu tư; 95 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.846 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 143.432 tỷ đồng, trong đó 21 dự án điện mặt trời đã đóng điện vận hành trước ngày 30/6/2019. Với các dự án còn lại, một số dự án đang thực hiện các thủ tục để triển khai thi công, một số đang trong thời gian khảo sát, nghiên cứu. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ khai thác hiệu quả lợi thế và tài nguyên của tỉnh mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường.

Các đại biểu cho rằng để có thể phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, mở rộng phạm vi ứng dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn năng lượng, nước ta cần sớm xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo cơ sở pháp lý và chính sách phát triển.

Bên cạnh đó, các giải pháp về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn, dài hạn với những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo khoa học công nghệ năng lượng tái tạo; đa dạng hóa các nguồn lực, xã hội hóa nguồn vốn cho phát triển năng lượng tái tạo… cũng được nhiều đại biểu đề xuất tại Hội thảo.