Phát triển xanh là một lựa chọn tất yếu

Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)-2016, trước năm 2015, tỷ lệ người trả lời cho rằng môi trường là vấn đề hệ trọng nhất chỉ ở khoảng 2,5% trở xuống ở hầu hết các tỉnh/thành phố; thì đến năm 2016, tỷ lệ này đã tăng lên tới trên 12,5%, vươn lên thành vấn đề thứ hai của người dân chỉ sau đói nghèo.

Phải quan tâm

Năm 2016, cả nước phải hứng chịu tác động của sự cố cá chết hàng loạt do xả thải công nghiệp ở khu vực biển duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN), dự án, nhà máy bị “phanh phui” là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn đến việc Chính phủ và các cơ quan chức năng đã chỉ đạo tạm dừng thi công, sản xuất. Không những thế, khu vực đô thị, nhất là các thành phố lớn và tại các khu công nghiệp đã ghi nhận tình trạng chất lượng không khí ngày càng kém đi.

Trước tình hình này, với chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như: Cấm sử dụng thuốc kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, khuyến khích phát triển nền nông nghiệp sử dụng công nghệ cao và bền vững, cân nhắc chiến lược xây dựng các nhà máy năng lượng đốt than, giảm các ngành công nghiệp gây ô nhiễm…

Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường - Ảnh minh họa.

Về phía DN, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI) năm 2016, đa số DN hầu như không lo ngại về ô nhiễm môi trường tại địa phương mình đang hoạt động.

Tuy nhiên, sau sự cố môi trường Formosa, các DN dường như đồng tình cao hơn và chấp nhận nghĩa vụ thực thi các quy định về môi trường mà chính quyền địa phương tiến hành, dù điều đó có thể sẽ gia tăng gánh nặng chi phí và trách nhiệm cho DN (tỷ lệ 95% đối với DN FDI và 91% đối với DN trong nước).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và đầu tư Hoàng Gia (DN sản xuất nước giải khát) cho hay, với xu thế hiện nay, các DN đều thực hiện đầu tư, tính toán để tìm ra giải pháp về nguồn năng lượng, làm giảm chi phí cho DN. Hiện Hoàng Gia đã đầu tư khoảng 1 triệu USD để mua mới hoàn toàn thiết bị máy móc, vừa giúp chất lượng sản phẩm tốt hơn mà còn đảm bảo tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ra môi trường.

Bên cạnh xuất phát từ ý thức của DN và các cơ quan quản lý, bà Ninh Thị Ty, Giám đốc Công ty Cổ phần may Hồ Gươm cho biết, DN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu cho các khách hàng, đối tác lớn trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Các thị trường này có sản lượng và giá trị xuất khẩu lớn nhưng luôn yêu cầu rất cao không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về việc đảm bảo môi trường của nhà máy, trang thiết bị, chế độ dành cho nhân công. Vì thế, DN buộc phải đầu tư nâng cao trang thiết bị, đảm bảo các yêu cầu của đối tác thì hợp đồng mới được ký kết.

Không quên trách nhiệm

Mặc dù DN đã nâng cao ý thức hơn về phát triển xanh và các DN đang tỏ ra khá lạc quan về vấn đề này, nhưng đây có thể sẽ là “nỗi lo” nếu DN “lạc quan” quá mà quên đi trách nhiệm phải bảo vệ môi trường, phải hướng tới phát triển xanh.

Báo cáo PCI 2016 cũng chỉ ra, có tới 38% các DN FDI và 44% các DN trong nước thừa nhận họ chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường. Hơn nữa, 14,5% các DN trong nước và 9,4% các DN FDI cho biết họ chỉ tuân thủ một phần hoặc thậm chí không tuân thủ các điều khoản về môi trường.

Một trong những nguyên nhân mà các DN không tuân thủ là vì lợi ích kinh doanh được đặt lên trên hết. Có thể dễ dàng nhận thấy những dự án chung cư dày đặc trên các con phố khu vực quận Thanh Xuân, Hà Đông,… (Hà Nội), các DN bất động sản mua được những miếng đất “vàng” tại đây đã khiến những con đường nhỏ phải gánh chịu áp lực dân cư rất lớn, không những gây ra cảnh tắc đường thường xuyên và còn làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn.

Bên cạnh sự bất chấp của không ít DN bất động sản, nhiều DN sản xuất cũng bất chấp xả thải ra môi trường, để đến khi những dòng kênh, dòng sông trở nên ô nhiễm, người dân kêu than thì các cơ quan chức năng mới tới xử lý, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì bắt buộc đóng cửa. Không chỉ có các DN lớn, Việt Nam hiện có gần 2.800 làng nghề, giải quyết cho hơn chục triệu lao động vùng nông thôn.

Tuy nhiên, các làng nghề này còn phát triển rất manh mún, nhỏ lẻ nên tư duy về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường gần như chưa có. Chính vì thế, cùng với sự phát triển kinh tế làng nghề là sự xuất hiện của nhiều “ngôi làng ung thư”, chủ yếu do các nguyên liệu sử dụng tại đây là than, nhựa độc hại, không có biện pháp xử lý chất thải công nghiệp.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ ý thức của người kinh doanh, các DN còn e ngại do thủ tục, quy định về môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Không ít DN phải dành ra một khoản chi phí “lót tay” cho chính quyền địa phương để được công nhận đạt chuẩn, thậm chí, đạt chuẩn rồi vẫn phải chi nếu không sẽ còn chịu phiền hà, sách nhiễu. Chính vì tâm lý và tư duy quản lý nặng cơ chế “xin – cho” nên các DN không còn quan tâm đến môi trường một cách thực chất.

Do đó, trong thời gian tới, vấn đề này cần được các cơ quan chức năng đầu tư, làm việc một cách nghiêm túc, liêm chính và minh bạch. Bởi điều này không những tạo thuận lợi cho DN mà còn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Thùy chia sẻ, chủ đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp luôn xúc tiến việc kiểm tra kiểm soát chặt chẽ về tác động, ảnh hưởng của môi trường trong khu công nghiệp. Các cơ quan kiểm tra tại đây làm việc rất khách quan, ví dụ như việc lấy nước xả thải thì họ lấy ở đầu ra khi hòa vào hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp, đoàn kiểm tra sẽ đi lấy mẫu và đưa lại kết quả cho DN, DN chỉ phải nộp phí kiểm định. Nếu như có chỉ tiêu nào chưa đạt nhưng vẫn trong phạm vi cho phép, họ sẽ nhắc nhở để mình kiểm tra lại, đảm bảo đầu ra xả thải của DN theo tiêu chuẩn nước xả thải trong khu công nghiệp.

Nền kinh tế đang không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, song song với việc này phải có giải pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh cho người dân. Điều này cần xuất phát từ chính ý thức của DN. Hơn nữa, các cơ quan quản lý phải tạo được sự minh bạch, liêm chính, phục vụ DN và vì DN và vì mục tiêu phát triển chung.


  • 03/05/2017 08:50
  • Theo: baohaiquan.vn
  • 1992