Quảng Bình kỳ vọng trở thành “thủ phủ” về năng lượng tái tạo

Những năm qua, Quảng Bình đang từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng tái tạo, trong đó có nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối... nhờ những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đây được coi là một trong những lĩnh vực trọng tâm được tỉnh chú trọng thu hút đầu tư và hướng đến phát triển bền vững.

Là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển điện năng lượng mặt trời (NLMT) và điện gió, trong đó, tổng lượng bức xạ mặt trời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình dao động khoảng 1.256,04 - 1.418,86 kWh/m2/năm; số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 - 1.820 giờ, cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,03 - 4,545 kWh/m2/ngày. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh phát triển các dự án điện NLMT quy mô lớn.

Đến nay, Quảng Bình đã hoàn thành Quy hoạch phát triển các dự án điện NLMT với tổng công suất khoảng 491,5 MW trên địa bàn các xã: Ngư Thủy Bắc, Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch). Những khu vực này có địa hình khá bằng phẳng, chủ yếu là rừng trồng cây phi lao. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện giao thông, đấu nối vào lưới điện quốc gia được đánh giá rất thuận lợi. Đồng thời, tỉnh đã phối hợp với Công ty Tư vấn Xây dựng điện 3 triển khai lập quy hoạch phát triển điện gió với tổng công suất 800 - 1.000 MW trên địa bàn một số xã của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Minh Hóa…

Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa Lệ Thủy đang được tích cực triển khai xây dựng

Một trong những dự án đầu tiên trong phát triển điện NLMT tại Quảng Bình phải kể tới đó là Dự án Nhà máy Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 14/7/2019 với tổng công suất 49,5 MWp.

Theo đó, Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.430 tỷ đồng và xây dựng trên diện tích 58,82 ha, tại địa bàn xã Hưng Thủy và Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy). Dự án được xây dựng với mục tiêu sử dụng nguồn NLMT để sản xuất ra điện, không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Khi đưa vào vận hành, dự án sẽ bổ sung khoảng 65,812 triệu kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, qua đó góp phần phát triển năng lượng sạch từ NLMT và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Đối với điện gió, dự kiến Dự án Cụm trang trại điện gió B&T sẽ được khởi công trước ngày 10/10/2020 với tổng công suất lắp đặt 252 MW, tại địa bàn xã Gia Ninh, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) với tổng mức đầu tư 8.904 tỷ đồng. Hiện nay, Quảng Bình cũng đang trình Bộ Công Thương thẩm định 05 dự án điện gió và 03 dự án điện mặt trời. Đồng thời, kiến nghị 09 dự án điện gió và 08 dự án điện mặt trời đưa vào Quy hoạch điện VIII.

Ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết: Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện khảo sát, lắp đặt cột đo gió, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng tái tạo nhằm sớm hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch để tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tới. Sở Công Thương sẽ theo dõi quá trình triển khai thực hiện và kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thực hiện đầu tư theo đúng quy hoạch và các quy định về đầu tư xây dựng.

Link gốc


  • 09/10/2020 01:47
  • Nguồn: congnghieptieudung.vn
  • 944