Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Trên thực tế, không khó để thực hành tiết kiệm điện nếu mỗi hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết sắp xếp, sử dụng hợp lý các thiết bị điện. Tuy nhiên, điều đó không chỉ đơn thuần là việc bật - tắt thiết bị điện, mà là một bài toán về hiệu quả kinh tế lâu dài, ở tầm vĩ mô được triển khai thông qua những chủ trương thích hợp của Nhà nước.
Có thể nói “túi tiền” của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức quyết định cách thức dùng điện và tiết kiệm điện như thế nào. Hộ nghèo, hộ cận nghèo rất khắt khe trong việc dùng điện, bởi thu nhập của họ còn thấp, và con số này ở Quảng Nam hơn 370.000 hộ dùng điện bình quân khoảng 100 kWh/tháng, trong đó có 60.000 – 80.000 hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng, được trợ cấp tiền điện.
|
Mỗi máy may có 1 công tắc điện thuận tiện cho việc bật - tắt tại Công ty May Trường Giang - Ảnh: Nhị Triều |
Đối với doanh nghiệp, tính toán dùng điện hợp lý là mục tiêu sống còn trong kinh doanh, nên điều hiển nhiên trong việc giải bài toán lợi nhuận là buộc các công ty phải tiết kiệm chi phí sản xuất, trong đó đầu tư công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Không ngừng tuyên truyền nâng cao nhận thức
Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tiết kiệm điện là chủ trương, giải pháp tối ưu không chỉ khắc phục tìnhtrạng thiếu điện mà còn nhằm kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện hiệu quả hơn. Những năm gần đây, việc phối hợp tổ chức tuyên truyền tiết kiệm điện giữa Công ty Điện lực Quảng Nam với các cấp chính quyền địa phương được tổ chức năm sau nhiều hơn năm trước, với chất lượng vận động ngày càng tốt hơn và nhận thức của người dân, doanh nghiệp cũng ngày càng tăng.
Trong năm 2013, trên địa bàn Quảng Nam, bên cạnh các hoạt động truyền thống, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đã lan toả tới đối tượng học sinh; đặt ra nhiều quy định ràng buộc với CB-CNV; gửi tờ rơi hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến từng hộ gia đình; tổ chức các cuộc thi gia đình tiết kiệm điện; xây dựng quy chế phối hợp gắn kết trách nhiệm của các huyện, thành phố và xã, thôn đối với công tác tiết kiệm điện… Bên cạnh các biện pháp đầu tư kỹ thuật, cải tiến công nghệ, các cơ quan, doanh nghiệp còn đẩy mạnh các biện pháp quản lý như ban hành quy chế, chấm điểm thi đua để mọi người cùng tiết kiệm điện.
|
Công ty Philips tặng bóng đèn tiết kiệm điện cho người dân Quảng Nam |
Ông Đinh Duy Tường - Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Dệt May Hoà Thọ, kiêm Giám đốc Công ty May Hoà Thọ - Điện Bàn cho biết: “Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải tính toán giảm chi phí đầu vào để tăng lợi nhuận, tích luỹ mở rộng sản xuất. Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp chi phí tiền điện chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm, vì thế, tiết kiệm điện là con đường ngắn nhất, trước mắt mang lại hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh”.
Cụ thể, Công ty CP May Hòa Thọ - Quảng Nam đã đầu tư hơn 1.000 máy may điện tử thay thế máy may cơ; thay 100 quạt điện bằng mành nước làm lạnh; sử dụng hệ thống bơm hơi nước giảm nhiệt; nấu ăn và ủi sản phẩm bằng hơi nước nóng; thay đèn chiếu sáng bằng đèn compact; bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý; xây dựng quy chế, phát động thi đua tiết kiệm điện đã giảm 40% lượng điện.
Ban quản lý các công trình công cộng TP Tam Kỳ, Hội An và nhiều địa phương khác cũng đã thay hàng nghìn đèn cao áp bằng bóng đèn tiết kiệm điện; lắp đặt đèn compact thay đèn sợi tóc ở các ngõ, ngách; đồng thời vận hành chiếu sáng tăng giảm theo mùa, theo giờ nên mỗi tháng tiết kiệm được 40 - 50% sản lượng điện tiêu thụ. Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ, thương mại giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời; nhiều đơn vị đã đầu tư từng bước trang trí đèn LED thay thế các loại đèn tiêu tốn nhiều điện.
Kết quả, tính đến hết tháng 6/2013, Quảng Nam tiết kiệm được gần 9 triệu kWh, đạt 124% kế hoạch, bằng 2% lượng điện thương phẩm. Trong đó, lượng điện tiết kiệm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khoảng 3,3 triệu kWh, chiếm 37,8%; lượng điện tiết kiệm trên lĩnh vực ánh sáng, sinh hoạt khoảng 3,4 triệu kWh, chiếm 38,6% tổng lượng điện tiết kiệm được.
Một số doanh nghiệp ở Quảng Nam làm lợi từ việc tiết kiệm điện:
- Công ty CP Gạch Đồng Tâm: Giảm tỷ lệ tiêu thụ điện năng từ 10 - 15%, làm lợi mỗi tháng từ 400 - 450 triệu đồng.
- Công ty TNHH một thành viên chế biến si-li-ca Quảng Nam: Giảm tiền điện từ 145.000 đồng xuống còn 80.000 đồng/tấn sản phẩm.
- Công ty Thuỷ sản Đông Phương: Giảm 20% lượng điện cần dùng, làm lợi hơn 80 triệu đồng mỗi tháng.
- Công ty TNHH VBL Quảng Nam: Tiết kiệm hơn 58.000 kWh/tháng, bằng 11,6% sản lượng điện cần dùng.
- Công ty CP Giấy Sài Gòn Miền Trung: Giảm 30 - 40% sản lượng điện, giảm chi phí tiền điện trong giá thành từ 7,5% xuống còn 5%.
- Công ty TNHH Tuấn Cường: Mỗi tháng giảm 1/3 chi phí tiền điện.
|