Biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp cần phát huy vai trò trách nhiệm xã hội

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ Công Thương đang chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai.

Thực hiện hàng loạt chương trình ứng phó BĐKH

Là một trong những ngành có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, các ngành năng lượng đang thực hiện nhiều chương trình ứng phó BĐKH. Cụ thể: nâng cấp, bảo đảm an toàn các hồ thủy điện. Phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu. Trồng rừng phục hồi ở các dự án thủy điện nhằm phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực chống suy thoái rừng và tạo sinh kế cho cộng đồng.

Ðẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính và công nghệ của các nước và tổ chức quốc tế.

Những năm qua, nhiều dự án tiết kiệm điện được triển khai trên cả nước. Điển hình là dự án loại bỏ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm năng lượng.

Một buổi tặng đèn tiết kiệm năng lượng cho bà con nhân dân tỉnh Quảng Nam của Công ty TNHH Điện tử Philips Việt Nam – Ngành Chiếu sáng (Philips Việt Nam) - Ảnh: CTV.

Hàng loạt dự án thủy điện quy mô các loại không đảm bảo an toàn hoặc không hiệu quả đã được loại khỏi quy hoạch. Đã triển khai một số dự án điện gió ở Bình Thuận, Cà Mau và chương trình sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời... Theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2020 sẽ xóa bỏ các cơ chế, chính sách hỗ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch; thực hiện bù giá 10 năm đầu đối với các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải.

Còn vướng chính sách

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả của chương trình ứng phó với BĐKH còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là ở nhiều nơi, nhận thức về ứng phó với BĐKH mới chỉ được hiểu là tập trung vào phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai, chưa nhận thức tăng trưởng xanh, phát triển cac-bon thấp là cơ hội để phát triển theo hướng bền vững, do vậy các hành vi, lối sống, mô hình tiêu thụ chưa được điều chỉnh.

Chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH còn chắp vá, chưa đồng bộ. Chưa có chính sách phù hợp và chế tài đủ mạnh để yêu cầu các DN thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Hầu hết các DN chưa có tổ chức, bộ phận hoặc có cán bộ chuyên trách về ứng phó với BĐKH.

Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư ứng phó với BĐKH trên cơ sở các bên cùng có lợi. Khoa học và công nghệ chưa có nhiều đóng góp thiết thực, đột phá cho ứng phó với BĐKH. Thị trường chuyển giao công nghệ về BĐKH chưa được hình thành. Cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phương thức phát triển theo hướng các-bon thấp, bền vững và hội nhập quốc tế chưa được tận dụng tốt.

Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vẫn chưa được quan tâm phát triển tương xứng với tiềm năng. Tính đến năm 2012, việc khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam mới chỉ đạt tổng công suất khoảng 550 MW, chủ yếu là thủy điện nhỏ và sinh khối; điện gió, điện mặt trời quy mô còn nhỏ với tổng công suất lắp đặt khoảng 10 MW. Hoạt động sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng, dù đã đạt được một số kết quả, song chưa được như mong đợi. Hệ số đàn hồi ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực khá nhiều.

Vì vậy, từng bước dỡ bỏ các rào cản và tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững là lối thoát duy nhất đề con người ứng phó hiệu quả với BĐKH.

Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH đến năm 2020, Việt Nam cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Ðến năm 2050, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

 


  • 02/08/2013 10:40
  • Theo: Báo Công Thương
  • 1922