Thực hiện tăng trưởng xanh: Đừng để chậm trễ

Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh phải đồng thời thực hiện nhiều phần việc và cần nguồn lực đầu tư đủ mạnh. Tuy nhiên, với Việt Nam, hoàn toàn có thể tự mình đi trước thực hiện tăng trưởng xanh bằng việc hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Sự cần thiết

Tăng trưởng xanh (Green Growth) là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
 

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế xanh. Ảnh: Ngọc Thọ

 
Tại Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ cũng đã hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh bằng việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (ngày 25/9/2012).
 
Trong Chiến lược này, Việt Nam muốn hướng tới mục tiêu là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.
 
Để đạt những mục tiêu này, nhiều phần việc sẽ cần phải thực hiện từ sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho bảo tồn và phát triển, giảm thiểu phát thải khí nhà kính đến thay đổi nhận thức cho toàn xã hội, cho các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp.
 
Một cách làm của người Hàn Quốc mà chúng ta cần phải nhìn nhận và học tập, từ những năm 1996, tại những ngôi làng thuộc Suncheon (tỉnh Jeollanam-do), người dân ở đây đã thực hiện triệt để việc không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Chính quyền và người dân vận động thiết lập nên một khu bảo tồn sinh thái rộng hàng triệu m2. Những lối sống, tập quán canh tác ảnh hưởng đến môi trường được thay thế bằng hành động bảo vệ môi trường.
 
Với những việc làm như vậy, nơi đây đã trở thành phim trường cho những bộ phim cổ trang với bối cảnh từ hàng nghìn năm trước. Hệ động, thực vật cũng chuyển biến theo hướng tích cực khi từ việc chỉ có 79 loài chim di cư năm 1996, đến năm 2010, số chim di cư tại làng Suncheon đã tăng lên đến 525 loài. Mỗi năm, người ta đếm được có đến 235 loài chim thường đến nơi đây trong mùa di cư, trong đó có những loài quý hiếm đã được liệt vào Sách đỏ như Sếu có mào (đã xuất hiện cách đây 40 triệu năm cùng với khủng long). Và đến 2012, nơi đây đã thu hút hơn 3 triệu lượt khách du lịch. 
 

Vịnh Suncheon (tỉnh  Jeollanam-do) - Hàn Quốc được xem là trái tim của trung tâm sinh thái. Ảnh: Suncheon.kr

 
Ngoài ra, cũng tại Hàn Quốc, kinh nghiệm biến chất thải rắn trở thành một dạng nguyên liệu đầu vào cũng đáng để tham khảo. Chỉ trong vòng 10 năm (từ 1994 – 2004), với việc quản lý, xử lý khoa học, chặt chẽ rác thải thì lượng chất thải phát thải ra môi môi trường giảm được gần 54 ngàn tấn. Số tái chế được lên tới 17 ngàn tấn. Tiết kiệm cho chi phí đầu vào 6,72 tỷ USD cho nền kinh tế.
 
Việt Nam cần phải làm gì?
 
Theo ông Kim Young Mork, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), với Việt Nam Chiến lược tăng trưởng xanh cần được thực hiện ở các cấp khác nhau từ cấp Trung ương tới địa phương và có sự thống nhất để tạo ra hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Thông lệ tốt của Hàn Quốc là Chính phủ không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính, thể chế mà còn đưa ra những cách thức, phương pháp nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân, thúc đẩy họ chủ động tham gia vào quá trình này.
 
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, trong thực hiện tăng trưởng xanh, việc quản lý bền vững vốn tài nguyên đóng vai trò tối quan trọng vì nếu thực hiện tốt nó sẽ đem lại giá trị tất yếu cho thế hệ sau. Để thực hiện hiệu quả tăng trưởng xanh, Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể như xây dựng thể chế, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh ở cấp địa phương và tăng cường năng lực giám sát. 
 

Việt Nam có thể bắt đầu tăng trưởng xanh với lĩnh vực thế mạnh là nông - lâm nghiệp. Ảnh: Ngọc Thọ

 
Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc, bà Pratibha Mehta khẳng định: Lựa chọn con đường phát triển với mức carbon thấp sẽ cho phép Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp xanh mới, tạo ra các sản phẩm mới và sạch cũng như mở ra cơ hội nâng cao tính cạnh tranh và tạo việc làm. Tuy nhiên bà Pratibha Mehta khuyến nghị, Việt Nam cần một cơ cấu tài chính và các chính sách tín dụng hỗ trợ nhằm huy động, kết hợp hiệu quả và quản lý tài chính công cũng như tư, quốc tế lẫn quốc gia cho các hoạt động đầu tư xanh. Để làm được điều này cần áp dụng kinh nghiệm quốc tế và LHQ cũng như các đối tác phát triển khác cần giúp xây dựng cơ cấu này, đồng thời giúp xây dựng nguồn nhân lực cần thiết và các hệ thống điều phối một cách hiệu quả. Trong đó, sự tham gia và đóng góp của khu vực tư nhân là hết sức quan trọng.
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Phó viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), điều quan trọng trong quá trình tăng trưởng xanh là Việt Nam cần xác định phải dựa vào chính nội lực của mình, tự vươn lên, phát triển bền vững, không ỷ lại, ngồi chờ. TS Chinh gợi ý những lĩnh vực có thể đi trước mà ít tốn kém như trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hay hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.
 
Tăng trưởng xanh ở Việt Nam được hiểu là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

 


  • 15/07/2013 09:50
  • Trần Ngọc Thọ
  • 1982


Gửi nhận xét